Giải pháp giải tỏa công suất

Dựa trên phần mềm tính toán hệ thống điện PSS/E, nhóm nghiên cứu gồm KS Nguyễn Minh Tuấn (Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam) và KS Trần Đức Minh Châu, KS Đỗ Trường Giang (Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý nguồn điện Việt Nam) đã nghiên cứu, tính toán các kịch bản vận hành của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Từ đó, đưa ra các giải pháp để giải tỏa công suất, nâng cao hiệu quả vận hành nhà máy.
\"\"

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200MW gồm 2 tổ máy) là nhà máy nhiệt điện than có công suất lớn nhất hiện nay. Mỗi năm cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia. Hiện tại, nhà máy đã vận hành cả 2 tổ máy và đấu nối vào hệ thống điện Việt Nam. Như vậy, công suất của nhà máy sẽ được đẩy lên hệ thống điện thông qua các xuất tuyến đường dây 220kV và máy biến áp 500kV Vũng Áng. Ngoài ra, trong khu vực còn có các nhà máy đang vận hành như: Nhiệt điện Nghi Sơn (2 x 300MW), Nhiệt điện Formosa Hà Tĩnh (2 x 150MW, công suất cam kết phát lên lưới 130MW), và các nhà máy thủy điện Hủa Na, Bá Thước 2, Cửa Đạt, Bản Vẽ, Khe Bố, A Lưới, Hương Sơn, Hương Điền, Bình Điền và các nhà máy thủy điện nhỏ khác.

Tổng công suất các nhà máy phát điện trong khu vực năm 2015 (gồm cả Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1) đạt khoảng 3.300MW. Trong khi đó, phụ tải cực đại của khu vực (gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) khoảng 1.600MW. Khi các nhà máy cùng phát tối đa công suất, sẽ có khoảng 1.700MW công suất phát lên lưới, chủ yếu thông qua trạm biến áp 500kV Vũng Áng (1x 450 MVA) và trạm biến áp 500kV Hà Tĩnh (2 x 450kV), gây đầy tải hoặc quá tải cho các máy biến áp ngay cả trong trường hợp vận hành thường. Nếu các đường dây hay máy biến áp xung quanh xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Vì vậy, cần nghiên cứu tìm ra phương án giải tỏa công suất cho các nhà máy điện trong khu vực, đặc biệt là nhiệt điện Vũng Áng 1. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã lập báo cáo tính toán phân tích chi tiết, nhằm tìm ra giải pháp và phương án giải tỏa công suất cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Theo đó, nhóm đã tiến hành thu thập và cập nhật số liệu; lập mô hình tính toán; thực hiện các tính toán và phân tích kết quả tính toán; đồng thời đưa ra các giả thiết, kịch bản tính toán. Kết quả cho thấy, năm 2015 (cả chế độ làm việc bình thường cũng như sự cố), máy biến áp 500kV Vũng Áng vẫn bị quá tải. Để tránh hiện tượng quá tải cho máy biến áp Vũng Áng cũng như một số đường dây 220kV quanh khu vực đấu nối, theo tính toán của nhóm nghiên cứu cần giảm công suất phát của các nhà máy điện trong khu vực khoảng từ 40-160MW.

Căn cứ vào số liệu tính toán, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị: Cần sớm nâng công suất của trạm biến áp 500kV Vũng Áng lên 900MVA theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/4/2015; để tăng khả năng khai thác công suất của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và các nhà máy điện trong khu vực, vào một số thời điểm cần thực hiện tách thanh cái 220kV.

Cụ thể: Tổ máy 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, máy biến áp 500kV Vũng Áng và một mạch đường dây 220kV Vũng Áng 1 – Hà Tĩnh sẽ đấu nối với thanh cái C1; Tổ máy 2 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, 2 mạch đường dây 22 Vũng Áng – Hà Tĩnh còn lại và mạch đường dây 220kV Vũng Áng – Formosa sẽ đấu nối với thanh cái C2.

Giải pháp này cho phép Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nghi Sơn 1 phát tối đa công suất. Để tránh quá tải cho máy biến áp 500kV, Vũng Áng cần phải hạn chế công suất của các nhà máy thủy điện trong khu vực.

Tình hình vận hành năm 2016 cho thấy, trường hợp vận hành bình thường vẫn xảy ra quá tải máy biến áp 500kV Vũng Áng từ 105,7 - 108,2%. Năm 2016, cần giảm khoảng 9 -99MW tùy theo mùa, chế độ phụ tải và chế độ huy động của các nhà máy điện quanh khu vực theo yêu cầu của đơn vị điều độ trong từng chế độ vận hành.
Hồng Dương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận