Gia Lai: Tạo việc làm, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid – 19

Đến cuối tháng 10/2021, tỉnh Gia Lai đã chi hơn 89,6 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid 19. Cùng với đó, tỉnh đang xúc tiến các giải pháp để tạo cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lao động của tỉnh trở về từ các tỉnh thành phía Nam.

89,6 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tác bị ảnh hưởng do dịch Covid – 19

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, đến ngày 25/10, tỉnh đã chi hơn 89,6 tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19.

Gia Lai: Tạo việc làm, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid – 19
Tỉnh Gia Lai đã chi hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 với tổng số tiền 89,6 tỷ đồng

Trong đó, đã chi hỗ trợ cho 11 nhóm đối tượng thuộc Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hơn 20,7 tỷ đồng để hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.995 đơn vị, với 38.097 lao động; tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho 2 đơn vị với 39 lao động; hỗ trợ 34 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương trên 30 ngày. Cùng với đó, 61 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch được chi hỗ trợ 226 triệu đồng; hỗ trợ cho 624 hộ kinh doanh (3 triệu đồng/hộ). Ngoài ra, 2.443 trẻ em và người đang điều trị Covid-19, F1 đang cách ly y tế. Đồng thời, giải ngân cho 56 đơn vị, người sử dụng lao động vay hơn 3,2 tỷ đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.016 lao động.

Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã chi hỗ trợ cho hơn 7.700 lao động tự do với số tiền gần 11,58 tỷ đồng, hỗ trợ cho 6.501 lao động (có giao kết hợp đồng, gặp khó khăn) với số tiền hơn 9,75 tỷ đồng.

Triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tỉnh đã giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 1.997 đơn vị với hơn 33.000 lao động được thụ hưởng, tổng số tiềm giảm là 20,2 tỷ đồng; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 27.512 người với tổng số tiền 68,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, để hỗ trợ có hộ gia đình gặp khó khăn, tỉnh đã cấp phát gần 208,9 tấn gạo cho 3.360 hộ dân với hơn 13.900 nhân khẩu. Tỉnh đang tiếp tục đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ hơn 200 tấn gạo cho hơn 3.400 hộ có nguy cơ thiếu đói do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19.

Cùng với sự nỗ lực chăm lo an sinh từ chính quyền, các tổ chức đoàn thể, tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân gặp khó do dịch Covid – 19, nhất là các hộ dân trong khu cách lý, phong tỏa.

Gia Lai: Tạo việc làm, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid – 19
Vụ thu hoạch cà phê, hồ tiêu đang tới sẽ giúp giải quyết việc làm trước mắt cho lực lượng lao động của tỉnh Gia Lai trở về từ các tỉnh phía Nam

Tạo cơ hội việc làm cho lao động trở về từ các tỉnh phía Nam

Thống kê của Sở LĐ – TB & XH tỉnh Gia Lai, đến cuối tháng 10/2021, Gia Lai có hơn 42.600 công dân trở về từ các tỉnh phía Nam có dịch, trong đó, có hơn 13.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là lao động tự do). Địa phương có số lao động trở về nhiều nhất là huyện Chư Pưh với gần 7.000 người, huyện Chư Sê hơn 5.200 người, TP. Pleiku hơn 4.300 người....

Bên cạnh việc đảm bảo cách ly an toàn phòng chống dịch Covid – 19, tỉnh Gia Lai đang lên kế hoạch tạo cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho lực lượng lao động này, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trước mắt, tỉnh Gia Lai đang vào vụ thu hoạch cà phê, hồ tiêu. Mỗi vụ thu hoạch cà phê tỉnh sẽ cần hơn 6 triệt lượt công nhân thu hoạch cà phê và cần 840 nghìn lượt nhân công thu hái hồ tiêu. Hàng năm, vào mỗi vụ thu hái, nhân lực tại chỗ của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thu hái, và sẽ có một lực lượng lao động từ miền Trung di chuyển lên làm việc thời vụ. Năm nay, với hàng chục nghìn công dân của tỉnh trở về từ các tỉnh phía Nam sẽ bù đắp được sự thiếu hụt nhân công khi thu hoạch nông sản, tạo việc làm thời vụ có thu nhập cho lực lượng lao động này.

Bên cạnh đó, để tạo việc làm ổn định cho lượng lao động trở về, tỉnh Gia Lai sẽ nắm bắt thông tin cụ thể của người trở về bao gồm giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn, tay nghề để kết nối việc làm phù hợp. Theo thống kê, trong công dân trở về, hiện có gần 5.000 lao động, trong đó, gần 1.500 lao động là người dân tộc thiểu số đang có nhu cầu tìm việc làm.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 450 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 6.000 lao động, trong đó, gần 4.500 lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, hơn 800 lao động có trình độ Sơ cấp và Trung cấp, gần 900 lao động có trình độ lao động từ Cao đẳng trở lên.

Từ nguồn cung và cầu, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội sẽ tích cực tổ chức các phiên giao dịch kết nối việc làm lao động hiệu quả.

Gia Lai: Tạo việc làm, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid – 19
Để tạo việc làm ổn định cho lực lượng lao động trở về từ các tỉnh phía Nam, tỉnh Gia Lai sẽ tích cực tổ chức các phiên kết nối việc làm, đào tạo nghề cho lao động tự do theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp

Đối với lực lượng lao động tự do, các sở ngành trên địa bàn tỉnh sẽ phối hợp để tổ chức các chương trình đào tạo nghề có gắn với chính sách thu hút đầu tư của các dự án vào địa bàn tỉnh, vừa giải quyết việc làm vừa giải quyết bài toán nhân sự phù hợp cho doanh nghiệp.

Song song với tạo việc làm tại tỉnh, tỉnh Gia Lai vẫn khuyến khích, vận động người lao động trở về trở lại làm việc ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp phía Nam đã hoạt động lại bình thường.

Vũ Lê
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận