Gạo Việt Nam: Kỳ vọng bứt phá với logo thương hiệu quốc gia

Mới đây, gạo Việt Nam đã chính thức có logo thương hiệu quốc gia. Điều này được kỳ vọng giúp ngành lúa gạo tự tin, vững bước trên con đường khẳng định giá trị cũng như vị thế trên thị trường thế giới.

Hình ảnh lan tỏa

Lúa gạo là mặt hàng thiết yếu, có ý nghĩa chiến lược đảm bảo an ninh lương thực và có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Từ chỗ thiếu, không đủ ăn, ngành lúa gạo Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước mà còn vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

\"gao
Xây dựng vùng nguyên liệu sạch sẽ giúp gạo Việt tăng giá trị

Theo thống kê, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2018, gạo Việt xuất khẩu ước đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch 3,2 tỷ USD, tăng 6% về lượng và 20% về giá trị so với năm 2017. Điểm sáng là lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan.

Dù xuất khẩu gạo đạt kết quả khả quan, nhưng gạo Việt vẫn còn mờ nhạt trên thị trường thế giới và chưa có logo thương hiệu quốc gia chung để khách hàng, đối tác nhận diện. Chính vì thế, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ((NN&PTNT) đã chính thức công bố logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu để bảo hộ sản phẩm là một trong những định hướng quan trọng được Chính phủ chỉ đạo đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Do đó, năm 2017, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Sau thời gian lựa chọn, Bộ NN&PTNT đã chính thức chọn lựa biểu trưng và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ trong nước, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cấp mã số đăng ký quốc tế theo hệ thống Madrid.

“Trọng tâm logo thương hiệu gạo Việt Nam là bông lúa cách điệu. Các lá lúa được biến tấu tạo hình chim Lạc Việt đang tung cánh, là biểu tượng đặc trưng của Việt Nam đã được nhận biết trên phạm vi toàn thế giới. Các lá lúa cách điệu còn gợi ra hình ảnh ruộng lúa với nền văn minh lúa nước lâu đời, làm gia tăng tính nhận biết và ý nghĩa lan tỏa cho sản phẩm gạo Việt Nam” - ông Toản chia sẻ.

Kỳ vọng lớn

Với việc logo thương hiệu gạo Việt Nam được công bố, hình ảnh hạt gạo và ngành lúa gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn, có bước phát triển vượt bậc trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - chia sẻ, việc có logo thương hiệu chung là cần thiết nhằm khẳng định với người tiêu dùng trong nước và quốc tế rằng chúng ta đã có nhận diện sản phẩm, để từ đó gắn nhãn mác gạo Việt Nam khi tham gia xuất khẩu.

“Logo thương hiệu quốc gia không chỉ góp phần gia tăng giá trị hạt gạo nói riêng, mà còn tạo chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu nông sản Việt Nam trên thương trường quốc tế. Điều này giúp người sản xuất có thu nhập ổn định, đồng thời giá trị xuất khẩu nông sản ngày một tăng lên” - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An, ông Lê Ngọc Liêm - bày tỏ.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, việc có logo thương hiệu quốc gia chỉ là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng còn bản thân các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư nghiên cứu, phát triển giống lúa có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu; đồng thời cần tăng cường liên kết theo chuỗi, đẩy mạnh công tác chế biến, bảo quản, sơ chế và các sản phẩm chuyên sâu sau gạo. Có như thế, gạo Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh, vươn tầm hội nhập với thế giới.

Theo Bộ NN&PTNT, để được gắn logo thương hiệu gạo quốc gia dành cho mục đích xuất khẩu và bán buôn nội địa, DN phải đáp ứng những tiêu chí quan trọng như loại gạo, chất lượng gạo, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Ngọc Thảo - Thùy Dương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận