![]() |
Trực vận hành tại Nhà máy Thủy điện Sơn La |
Cách ly tập trung khối vận hành
Thưc hiện chỉ đạo của Chính phủ và EVN, hiện, hầu hết các công ty, nhà máy điện thuộc EVN đã xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống dịch nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm và vận hành sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cách ly khối vận hành.
Ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La - cho biết, để vận hành liên tục 2 nhà máy, mục tiêu quan trọng hàng đầu là giữ gìn nhân lực trực tiếp vận hành không bị lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài. Do đó, công ty đã bố trí cách ly toàn bộ lực lượng vận hành 2 nhà máy (Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu). Đồng thời, chia làm 2 nhóm trực vận hành (mỗi nhóm 3 kíp trực, luân phiên các kíp trực trong nhóm mỗi tuần), dự phòng tại chỗ, luân phiên 2 nhóm trực 1 tuần/lần, đảm bảo vận hành liên tục, đề phòng khi có trường hợp nhiễm bệnh hoặc cách ly, vẫn có lực lượng dự phòng tại chỗ thay thế, không gián đoạn công việc. Lực lượng vận hành này được bố trí trong khu cách ly ở các phòng riêng biệt, phục ăn riêng, bố trí phương tiện đưa, đón ca riêng biệt để tránh lây nhiễm bệnh chéo nhau. Trong ca trực, các vị trí vận hành cũng thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn, khử trùng…
Tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, ông Tạ Trung Kiên - Giám đốc công ty - cho biết, từ ngày 27/3, công ty đã áp dụng hạn chế tiếp xúc với từng nhóm lao động, để đảm bảo sức khỏe của cán bộ, công nhân viên (CBCNV), sản xuất điện liên tục, ổn định trong mọi tình huống. Cụ thể, với nhóm đối tượng lao động chủ chốt như trưởng ca, trưởng kíp, trực điện chính, lò trưởng, máy trưởng, công ty bố trí cho nghỉ tập trung sau ca làm việc ngay trong khuôn viên nhà máy. 45 CBCNV trong diện này không về nhà, tuyệt đối không tiếp xúc với bên ngoài, hạn chế tối đa tiếp xúc với kíp khác và CBCNV của đơn vị, trừ cán bộ y tế, bộ phận cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày.
Giữ nguồn điện liên tục trong mọi tình huống
Mặc dù sở hữu không nhiều các nhà máy điện tại Việt Nam, song, những nhà máy điện của EVN đều có quy mô lớn, giữ vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất, cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia cũng như đảm bảo nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Báo cáo của EVN cho thấy, trong tháng đầu năm 2020, điện sản xuất từ các nhà máy điện của EVN và các tổng công ty phát điện là 9,42 tỷ kWh, chiếm 53,5% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Nhận thức được vai trò này, ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh đến nay, EVN đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ở tất các khối, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho đất nước trong mọi tình huống. Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị thành viên, trong đó có công ty, nhà máy điện, căn cứ tình hình thực tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh, các đơn vị xây dựng phương án để CBCNV làm việc từ xa trên cơ sở chuẩn bị tốt nhất về cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, phần mềm, phương tiện nghe nhìn… Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan, ban, ngành về phòng chống dịch Covid-19 cho CBCNV cũng như đối tác, khách hàng.
EVN tích cực triển khai các quy định, phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với đặc điểm, tình hình sản xuất; quyết tâm duy trì dòng điện an toàn, liên tục. Các đơn vị đã hỗ trợ kinh phí, bổ sung suất ăn ca cho lực lượng lao động trực tiếp sản xuất vận hành trong nhà máy để tăng cường dinh dưỡng, sức khỏe trong thời gian cách ly nghiêm ngặt tại nhà máy.. |