Đừng để nông dân đơn độc!

Những ngày qua, trong khi hàng trăm xe chở dưa hấu bị ách tắc ở cửa khẩu, quả xuất khẩu được, quả vứt đi, quả bán đắt, quả bán rẻ; dưa tại ruộng của các hộ nông dân miền Trung bán “rẻ như cho”, thì tại thị trường Hà Nội, giá dưa hấu vẫn khá cao và ổn định.
\"\"

Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), giá dưa hấu Mặt trời đỏ bán buôn khoảng 20.000-22.000 đồng/kg, bán lẻ khoảng 25.000 đồng/kg; giá dưa hấu Sài Gòn bán lẻ dao động trong khoảng 15.000- 18.000 đồng/kg. Còn tại cửa khẩu, thương lái Trung Quốc mua dưa loại 1 chưa đến 10.000 đồng/kg.

Dưa hấu bán tháo tại cửa khẩu, bán tại ruộng không ai mua, nhưng trên thị trường nội địa vẫn có giá cao, đây là nghịch lý với hàng nông sản Việt Nam nói chung từ nhiều năm nay.

Cội rễ vấn đề là ở một chữ “tự”: Nông dân tự trồng, tự thu hoạch, tự tiêu thụ, tự theo nhau ùn ùn đưa dưa hấu lên cửa khẩu bất chấp nhu cầu của đối tác và khả năng thông quan của cửa khẩu… Mà “tự” sẽ đồng nghĩa với đơn độc.

Cách đây vài năm, ngành nông nghiệp Việt Nam “giật mình” với tin 306 tấn gạo của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản với giá bán rất cao. Hoặc chuyện hơn 30.000 tấn gạo trắng của Công ty CP xuất nhập khẩu An Giang sau khi bảo đảm được 530 chỉ tiêu về an toàn tuyệt đối đã len được vào bữa cơm của người Nhật.

Làm được điều đó, AGPPS đã tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm và dịch vụ trong nông nghiệp. Tức là, không để người nông dân đơn độc, AGPPS bắt tay với họ thực hiện chuỗi khép kín từ quy hoạch vùng canh tác, cung cấp giống, sản xuất, đưa cán bộ kỹ thuật xuống tận bờ ruộng, tới khâu cuối cùng là bao tiêu sản phẩm. Doanh nghiệp và nông dân cùng giám sát việc thực thi các quá trình này để bảo đảm có thể truy xuất nguồn gốc của từng lô gạo. Mới đây, sau khi thành công với gạo, AGPPS đã bắt tay vào việc tham gia chuỗi giá trị cà phê.

“Phác đồ điều trị căn bệnh được mùa mất giá” hiệu quả nhất chính là doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Nhìn từ hạt gạo xuất khẩu và quả dưa hấu mới thấy, “phác đồ điều trị căn bệnh được mùa mất giá” hiệu quả nhất chính là doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Bởi chính doanh nghiệp là người đi tìm thị trường, hiểu nhu cầu thị trường, từ đó đặt hàng sản xuất; đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng, thỏa mãn yêu cầu của đối tác; bao tiêu sản phẩm, làm thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Dĩ nhiên, đồng hành cùng doanh nghiệp và người nông dân không thể thiếu vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước với việc ban hành chính sách phù hợp thực tế, có những giải pháp hỗ trợ đầu ra hiệu quả cho hàng nông sản.

Hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có nhiều AGPPS, để người nông dân không đơn độc trên đồng ruộng của mình và nông sản Việt có sức mạnh “bay” khắp mọi châu lục.

TIN LIÊN QUAN
Siêu thị nỗ lực hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu
Gần 80% lượng dưa hấu đã được tiêu thụ
Bộ Công Thương: Hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu
Công Duy
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận