Đưa mẫu thiết kế lên sàn giao dịch

Đưa các mẫu thiết kế lên sàn giao dịch là một trong những mục tiêu quan trọng Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) mới, sáng tạo năm 2019 lần đầu tiên được Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hướng tới.

Ngày hội thiết kế mẫu

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, chỉ trong 4 ngày (21 - 24/9/2019), Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng TCMN mới, sáng tạo năm 2019 tại Khu triển lãm 1000 năm Thăng Long Hà Nội (thôn 1, làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) đã đón gần 9.000 lượt người đến tham quan. Đáng chú ý, các chuyên gia trong và ngoài nước, nhà thiết kế và sinh viên các trường đại học mỹ thuật có cơ hội thăm quan thực tế hoạt động sản xuất, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ngành TCMN.

dua mau thiet ke len san giao dich
Thiết kế các sản phẩm mới có ý nghĩa quan trọng

Chị Hoàng Thu Trang - cựu sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - chia sẻ, đến với triển lãm, chị có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm sáng tạo, mang giá trị thẩm mỹ, tính ứng dụng cao và thân thiện với môi trường của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, sản xuất.

Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh - Công ty TNHH Mây tre Việt Quang, các nghệ nhân đã bỏ rất nhiều công sức tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu để đưa ra các mẫu thiết kế mới trong ngành TCMN nói chung và ngành mây, tre đan nói riêng. Nhờ được "thổi hồn", những sản phẩm thiết kế độc đáo nhưng cũng mang đậm nét văn hóa Việt Nam và có tính ứng dụng cao...

Chú trọng phát triển sản phẩm mới

Thực tế, sự phát triển của các làng nghề TCMN được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, một trong những hạn chế lớn nhất là khâu mẫu mã sản phẩm. Hà Nội hiện có gần 200 nghệ nhân, hàng nghìn thợ giỏi, hàng trăm chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước cùng các sinh viên chuyên ngành, hàng năm sáng tác, thiết kế hàng nghìn mẫu mã sản phẩm TCMN nhưng phần lớn mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu, rất ít sản phẩm được thương mại hóa.

Do đó, đến với triển lãm lần này, nghệ nhân làng nghề cũng như sinh viên các trường đại học mỹ thuật đều coi đây là ngày hội thiết kế mẫu. Được đắm mình trong sáng tạo sản phẩm, du khách sẽ hiểu và thêm trân quý những sản phẩm TCMN được tạo ra từ bàn tay người thợ, cũng như thêm yêu giá trị văn hóa truyền thống đã được nối truyền từ bao thế hệ người Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua triển lãm, sẽ góp phần khuyến khích, định hướng cho các tác giả sáng tác, thiết kế sản phẩm vừa mang tính ứng dụng vừa có giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Nhấn mạnh vai trò của thiết kế mẫu, ông Hoàng Minh Lâm - Trưởng phòng Khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) - cho rằng, bên cạnh việc kết nối tạo thành chuỗi sản xuất nhằm tạo ra lượng sản phẩm lớn, đáp ứng được quy mô của nhà nhập khẩu, doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm mới mang nét văn hóa của người Việt mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm TCMN.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhấn mạnh, 9.000 lượt người đến tham quan triển lãm là con số rất ấn tượng khi lần đầu tiên Hà Nội tổ chức sự kiện này. Không chỉ dừng lại ở triển lãm, đây sẽ là tiền đề cho việc xây dựng và hình thành sàn giao dịch các thiết kế, mẫu sản phẩm TCMN mới, sáng tạo trên địa bàn thành phố, phục vụ phát triển ngành TCMN nói chung và Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn Hà Nội nói riêng.

Ông NguyễnThanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:
Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với ngành hàng TCMN là cần thiết; đặc biệt cần lưu tâm thương hiệu của các hộ gia đình, chỉ dẫn địa lý mang tính chất địa điểm làng nghề. Khi đó, sẽ khẳng định được thương hiệu của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu và bảo đảm được quyền lợi của nhà xuất khẩu.
Hạnh - Hường
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận