![]() |
Đưa hàng Việt đến với vùng cao, vùng khó khăn |
Miệt mài ”cõng” hàng lên núi
Con đường mòn men theo sườn núi từ thị trấn Thanh Sơn (Phú Thọ) vào xã vùng cao Võ Miếu đặc quánh bụi đỏ. Một bên núi cao, một bên thung lũng mênh mông, chiếc xe chở chúng tôi không ngừng chồm lên, dập xuống khi rơi vào những chiếc hố voi, ổ gà sâu hoắm đầy nước- dấu tích còn sót lại từ trận mưa trước đó. Anh lái xe - dân gốc Thanh Sơn -cho biết: \"Đây được mệnh danh là “con đường đau khổ” bởi trời nắng, xe không thể đi nhanh vì mù mịt bụi đường. Trời mưa, bụi quyện cùng nước mưa thành hỗn hợp ướt nhẹp, trơn như đổ mỡ, thách thức lái xe\". Mất hơn 40 phút cho quãng đường chưa tới 10km đến trung tâm xã, “con ngựa sắt” của chúng tôi được bọc thêm một “lớp áo” đỏ quạch.
Cùng vượt qua “con đường đau khổ”, anh Nguyễn Tiến Mạnh - Quản lý bán hàng khu vực Phú Thọ, Công ty CP Kinh Đô - chia sẻ: \"Đường này gần đây đã dễ đi hơn nhiều. Vài năm trước, khi mưa lớn, nhân viên công ty phải nằm chờ mưa ngớt ở thị trấn Thanh Sơn mới chuyển hàng vào xã. Đoạn ngập lụt, anh em phải kê gạch rồi đi bộ để mang hàng vào\".
Nhớ về những chuyến đưa hàng lên miền núi, chị Nguyễn Thị Vàng- nhân viên Phòng Quản lý thương mại- Sở Công Thương Bắc Kạn – thổ lộ: \"Để chuẩn bị cho việc đưa hàng về miền núi, chúng tôi lo xếp hàng từ nhiều hôm trước. 1 giờ sáng, những chuyến xe kẽo kẹt đã phải xuyên qua màn đêm để kịp giờ họp chợ. Cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông vùng cao, màn sương mù dày đặc, phương tiện vận chuyển trục trặc… là nỗi lo thường trực\".
“Tại vùng cao, có người một ngày đi chợ đến mười lần, thích thú cầm món hàng như chậu nhựa, rổ, chén, bát… rồi lại đặt xuống vì không có tiền. Khi bán được mớ rau, quả trứng, có tiền mua hàng thì phiên chợ cũng hết”- chị Nguyễn Thị Vàng cho biết thêm.
Gập ghềnh đường về nông thôn
Đưa hàng Việt lên vùng cao đã khó, đưa hàng về vùng nông thôn cũng có những vất vả đặc trưng riêng.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam- đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, chúng tôi không ít lần “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Ở giai đoạn đầu, để vận động DN tham gia, cán bộ Sở Công Thương phải vừa thuyết phục, vừa trực tiếp khuân hàng, giúp DN đưa hàng đến tận điểm bán. Thậm chí, cùng bán hàng với DN. Thuyết phục được DN rồi trăn trở tìm địa điểm ở đâu phù hợp để đặt phiên chợ? Cách nào để thu hút người dân đến xem? Lựa chọn sản phẩm ra sao để vừa đáp ứng đúng nhu cầu, vừa có giá cả phải chăng để người dân bỏ tiền ra mua...
Nhân viên Big C Quảng Ninh tham gia đưa hàng Việt về nông thôn hầu hết là người trẻ. Chị Lục Thị Dương - quản lý nhóm bán hàng – thông tin: Hàng Việt về nông thôn thường tổ chức vào những ngày giáp Tết, luôn phải chuẩn bị từ hôm trước để kịp đưa hàng về bán đúng phiên chợ sớm. Quầy hàng cũng phải mở đến nửa đêm để phục vụ người khách cuối cùng. “Mải mê bán hàng, không kịp ăn là chuyện bình thường. Có những lần, thu dọn xong hàng hóa, trời cũng mờ sáng. Đói, khát, mệt và lạnh, nếu như không lấy niềm vui từ việc hàng hóa của mình đưa đến tận tay người tiêu dùng, chúng tôi khó đủ sức”- chị Dương cho hay.
Các phiên chợ phần nào đã thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa của bà con vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, do thời gian tổ chức ngắn nên hiệu quả chưa cao. Những chuyến hàng Việt vẫn chỉ như “muối bỏ bể” so với nhu cầu người dân, nỗ lực chinh phục thị trường của doanh nghiệp. |
Kỳ II: Khi doanh nghiệp vào cuộc