Theo ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đối tượng thụ hưởng là đoàn viên, NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất trong các DN có đóng kinh phí công đoàn thuộc các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người, hỗ trợ 1 lần.
![]() |
NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ” được công đoàn hỗ trợ bữa ăn |
Trong trường hợp DN có đóng kinh phí công đoàn nhưng chưa có tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm việc với DN kiểm tra, xác định số lượng đoàn viên, NLĐ thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất để chi hỗ trợ.
Kinh phí triển khai do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ cho công đoàn cơ sở từ nguồn tài chính tích lũy, và đảm bảo sau khi cấp số dư tại đơn vị còn tối thiểu 1 tỷ đồng. Trường hợp số dư tích lũy còn dưới 1 tỷ đồng thì LĐLĐ tỉnh/thành phố, công đoàn ngành T.Ư và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp bù để hỗ trợ cho công đoàn cơ sở.
Đối với LĐLĐ động tỉnh/thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp hỗ trợ cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở từ nguồn tài chính tích lũy của đơn vị còn được sử dụng tại thời điểm cấp hỗ trợ, và đảm bảo sau khi cấp hỗ trợ số dư tại đơn vị còn tối thiểu 5 tỷ đồng. Trường hợp không đủ nguồn để cấp (số dư dưới 5 tỷ đồng), Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ cấp bù để hỗ trợ.
Thực hiện quyết định này, nhiều địa phương đã nhanh chóng rà soát để không chi sai đối tượng và không để bất kỳ NLĐ nào bị thiệt thòi.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời NLĐ. Đặc biệt, từ đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Quyết định số 3022/QĐ-TLĐ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thông qua đó, đã hỗ trợ được một phần vật chất, cũng như tinh thần cho đoàn viên, NLĐ là các F0, hoặc phải nghỉ việc để cách ly y tế, đang cư trú trong khu vực bị phong tỏa.
Theo ước tính của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến nay, công đoàn các cấp đã, sẽ chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, NLĐ từ nguồn tài chính công đoàn, nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 2.503,777 tỷ đồng.
Không chỉ chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cán bộ y tế, công an, quốc phòng và các đối tượng khác tham gia công tác chống dịch Covid-19 cũng đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng ủng hộ Mặt trận Tổ quốc Trung ương và Mặt trận tổ quốc các địa phương, chương trình “Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19” của Chính phủ để đồng hành trong công tác phòng, chống dịch.
Theo số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, để duy trì sản xuất trong dịch Covid-19, có 10.335 DN đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”, với khoảng 930.306 NLĐ. Trong đó có 1.013 DN, với 84.034 NLĐ vừa cách ly, phong tỏa vừa sản xuất. |