Chị Lê Thị Ánh Tuyết (thôn 10, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) là hội viên phụ nữ nghèo của xã Ia Rvê. Chồng và con của chị thường xuyên đau ốm, thu nhập chính của gia đình chỉ từ trồng bắp, trồng mì... trong khi điều kiện đất đai kém màu mỡ, khí hậu, thời tiết không thuận lợi nên năng suất thấp. Tháng 4/2019, gia đình chị Tuyết được Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk và Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Đắk Lắk tặng bò giống để gia đình có sinh kế vươn lên thoát nghèo. “Từ nay, gia đình tôi có thêm cơ hội để phát triển kinh tế gia đình. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng bò giống thật tốt để cải thiện đời sống...” - chị Tuyết vui mừng bộc bạch.
![]() |
Phụ nữ xã Ia Hrung (huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai) hướng dẫn nhau vay vốn phát triển cây cà phê |
Trước đây, gia đình chị Hà Thị Hà (dân tộc Thái ở bản Na Ấu, xã Tam Thanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) thuộc hộ nghèo của xã, chồng mất sớm, một mình chị phải nuôi con nhỏ đang tuổi ăn học. Kinh tế khó khăn nên hai mẹ con chị phải ở trong ngôi nhà cũ nát. Năm 2018, gia đình chị Hà được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 30 triệu đồng để xây nhà “Mái ấm tình thương”. Với số tiền trên, chị vay mượn thêm và xây được ngôi nhà cấp 4, rộng trên 100m2. Ngôi nhà mới giúp 2 mẹ con chị có nơi ở kiên cố, ấm áp.
Câu chuyện của chị Lê Thị Ánh Tuyết và chị Hà Thị Hà chỉ là hai trong số hàng trăm câu chuyện về những người phụ nữ đang nhận được sự hỗ trợ từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Biên phòng phối hợp thực hiện, cùng với đó là chương trình nhắn tin qua đầu số “1409” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp phát động.
Được thực hiện từ năm 2018, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã triển khai ở 26/26 tỉnh biên giới với 110 xã được hỗ trợ. Từ việc kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ và cộng đồng nhắn tin qua đầu số 1409, năm 2018, đã có 71.225 tin nhắn với tổng số tiền là 1.424.500.000 đồng; năm 2019 có 126.223 tin nhắn với tổng số tiền thu được là 2.524.460.000 đồng. Toàn bộ số tiền này đã phân bổ, hỗ trợ mô hình cho 25 xã thuộc 22 tỉnh có biên giới trong cả nước, với số tiền 100 triệu đồng/mô hình/xã.
Cùng với đó, để tập trung nguồn lực, Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội hóa của cấp ủy chính quyền địa phương, vận động đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Với sự nỗ lực của các cấp hội, cùng với sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, năm 2018, tổng nguồn lực huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn được trên 37 tỷ đồng; năm 2019 gần 65 tỷ đồng. Căn cứ tình hình thực tiễn tại từng địa phương và số tiền huy động được, các cấp hội địa bàn có biên giới đã lựa chọn các đối tượng, khu vực để ưu tiên hỗ trợ con giống, vốn vay, máy tính, tổ chức lớp tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực cho phụ nữ, xây dựng các công trình dân sinh, mái ấm tình thương, các mô hình sinh kế…
Để đảm bảo mục tiêu, tính bền vững của chương trình, việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ các xã biên giới khó khăn được thực hiện theo hướng trao cho người dân chiếc “cần câu”, hướng dẫn họ cách để “câu” hiệu quả hơn là cho không người dân “con cá” nhằm phát huy nội lực, chủ động, tích cực vượt khó đi lên của hội viên, đặc biệt là phụ nữ DTTS, biên giới.
Đến nay, trên hầu hết các xã biên giới, các tổ chức hội phụ nữ và đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu đã phát triển được nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế mang tính lâu dài như: Tổ hợp tác sản xuất nấm sạch (Quảng Bình); tổ liên kết phụ nữ trồng mỳ cao sản (Kon Tum); tổ hợp tác chăn nuôi lợn lai trắng kinh tế (Cao Bằng); trao hơn 220 triệu đồng vốn khởi nghiệp cho phụ nữ 12 hộ xã biên giới; tổ chức lớp may dân dụng cho 31 chị phụ nữ nghèo xã Ia Lốp, huyện Ea Súp (Đắk Lắk)... Hỗ trợ xây dựng công trình “Nước ngọt vùng biên”, cầu nông thôn, trị giá hơn 2,4 tỷ đồng (Đồng Tháp)...