Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 6 KCN với 170 DN đang hoạt động, với tổng số lao động đang làm việc tại các KCN đến tháng 5/2021 trên 35.000 lao động. Trong đó, lao động tại các DN đầu tư nước ngoài trên 13.000 người, số lao động nước ngoài là 77 người. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thành phố Cần Thơ đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra các KCN trên địa bàn. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ phối hợp với ngành y tế, UBND các quận, huyện triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Các DN cũng thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại công ty và các tổ phản ứng nhanh để ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
![]() |
Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chủ động phòng chống và kiểm soát dịch bệnh |
Liên tục trong thời gian qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ (CDC Cần Thơ) đã phối hợp rà soát, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với người lao động tại các DN trong các KCN trên địa bàn thành phố. Đồng thời phối hợp với Sở Công Thương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid- 19 cho công nhân.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trên địa bàn, Sở Y tế thành phố Cần Thơ cũng vừa yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố khẩn trương tổ chức điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 23/6/2021 thực hiện xong 6.300 liều tiêm mũi 1 đợt 2; từ ngày 23/6 - 28/6/2021 thực hiện xong 6.700 liều tiêm mũi 2 đợt 1. CDC Cần Thơ chủ động tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung và thông báo cho các điểm tiêm thực hiện.
Theo ông Nguyễn Phước Cường - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn có 3 KCN đang hoạt động, tổng số lao động hơn 12.000 người, trong đó có 85 người lao động nước ngoài. Các DN đã và đang thực hiện phòng, chống dịch bệnh nghiệm ngặt như thực hiện kiểm tra thân nhiệt cho người lao động và đảm bảo khoảng cách giãn cách tối thiểu theo quy định; bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn tại các vị trí trước khi làm việc; khai báo y tế; triển khai thực hiện “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”.
Các DN trong các KCN chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ, tránh bị động, bố trí dự phòng khu cách ly, có phương án xử lý khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ để xử lý.
Ông Nguyễn Thành Thanh - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cũng cho hay, đến nay các KCN trên địa bàn tỉnh Long An cũng đã và đang nâng cao khả năng phòng dịch, khả năng chuẩn bị sẵn sàng nếu có trường hợp cần cách ly. Các DN trong KCN Long Hậu như Simone, GN, Cát Hải, Lock&Lock, HNB, Viễn Thịnh... thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đối với toàn thể cán bộ công nhân viên trong công ty. Bố trí khoảng cách làm việc an toàn giữa các công nhân, làm vách ngăn khi công nhân ăn trưa và chia nhỏ đợt ăn để tránh tập trung đông người cùng lúc...
Bên cạnh đó, các tỉnh thành vùng ĐBSCL là trung tâm sản xuất, xuất khẩu thủy sản của cả nước, tập trung các nhà máy với số lượng lớn công nhân vì thế công tác phòng dịch tại các DN cũng hết sức nghiêm ngặt. Rút kinh nghiệm từ một số địa phương nằm trong tâm dịch đã chịu hậu quả lớn do tác động của dịch khi nhiều DN và KCN phải ngừng hoạt động. Hiện tại, không có ca nhiễm Covid-19 nào tại các nhà máy chế biến tôm, cá tra ĐBSCL. Nhiều DN đã chủ động đã chủ động hỗ trợ trang thiết bị và kỹ năng phòng, chống dịch cho công nhân tại nhà máy của mình để duy trì các hoạt động chế biến, đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu.
Mới đây, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các DN thủy sản cũng đã đề xuất với Chính phủ được ưu tiên tiếp cận nguồn vaccine cho người lao động trong các DN thành viên và cam kết chung tay cùng Chính phủ về ngân sách cho tiêm phòng. Việc triển khai nhanh chóng vaccine phòng Covid-19 cho công nhân, người lao động là lựa chọn hàng đầu để các DN giảm thiểu rủi ro, tránh những thiệt hại không đáng có và duy trì ổn định sản xuất kinh doanh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).