Đồng bằng sông Cửu Long: Khẩn trương mua tạm trữ lúa gạo

Để giải quyết tình trạng dư lúa với giá rẻ, cuối tháng 2/2015, Thủ tướng Chính quyết định cho tạm trữ 1 triệu tấn gạo và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (DN) vay mua tạm trữ.
\"\"
Các địa phương vùng ĐBSCL đang tích cực triển khai mua tạm trữ lúa gạo

Tạm trữ để cứu giá lúa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do nguồn cung lúa, gạo từ vụ lúa đông xuân 2014 - 2015 của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang cao, chỉ tính riêng tháng 2 và đầu tháng 3/2015 đã lên tới 3,65 triệu tấn quy gạo. Trong khi đó, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo trong quý I/2015 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do các nước có tiềm năng xuất khẩu lớn về lúa gạo như Thái Lan, Ấn Độ đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam, nhất là phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp tại các thị trường như Trung Quốc, Malaysia, Mexico, Indonesia... Điều này khiến cung vượt qua cầu, kéo theo giá lúa gạo trong nước có xu hướng giảm đáng kể.

Thực tế cho thấy, trước thời điểm Chính phủ quyết  định tạm trữ lúa gạo, giá thu mua lúa tươi IR50404 tại một số địa phương như Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long chỉ dao động ở mức 4.000 - 4300 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.400 - 4.500 đồng/kg, lúa thơm 4.700 - 4.750 đồng/kg. So với vụ thu đông 2014 vừa qua, bình quân giá lúa các loại giảm từ 600 - 700 đồng/kg và thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái từ 500 - 600 đồng/kg. Dù giá lúa giảm nhưng các DN xuất khẩu chỉ đứng nhìn chứ không mặn mà trong việc thu mua lúa, bởi hầu hết DN đang phải chật vât tìm đường xuất khẩu gạo. 

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ đông xuân 2014 - 2015. Theo quyết định, VFA đã phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các tỉnh tại ĐBSCL, trong đó tỉnh An Giang được giao tạm trữ 251.453 tấn gạo; TP. Cần Thơ 175.696 tấn gạo (giảm khoảng 3.000 tấn so với vụ đông xuân năm 2014); Đồng Tháp 155.471 tấn (giảm hơn 1.000 tấn); Long An 124.257 tấn; Tiền Giang 83.183 tấn; Kiên Giang 82.000 tấn (giảm 8.000 tấn)  và Cà Mau 2.400 tấn lúa.

Ngoài mức lãi suất ngân sách hỗ trợ tối đa trong 4 tháng, trong đợt cho vay tạm trữ này các ngân hàng thương mại phải chủ động cân nhắc, tính toán mức lãi suất cho DN vay trong thời gian còn lại.

Vốn ngân hàng đã sẵn sàng cho tạm trữ

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp, ngoài mức lãi suất ngân sách hỗ trợ tối đa trong 4 tháng, trong đợt cho vay tạm trữ này các ngân hàng thương mại (NHTM) phải chủ động cân nhắc, tính toán mức lãi suất cho DN vay trong thời gian còn lại. Mọi yêu cầu về điều kiện vay vốn, thẩm định khách hàng được thực hiện như các khoản vay thông thường và rủi ro NHTM tự chịu. Các NHTM cho DN vay vốn mua tạm trữ theo chỉ tiêu, danh sách do VFA gửi Ngân hàng Nhà nước.

Ghi nhận tại một số ngân hàng khu vực ĐBSCL, đến thời điểm hiện tại một số NHTM đã bắt đầu vào cuộc triển khai cho DN vay. Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, năm ngoái chi nhánh này cho vay 100 tỷ đồng với 5 DN, năm nay có thể thấp hơn nhưng sẽ được giải ngân nhanh chóng vì hầu hết là các khách hàng cũ, đã có sẵn hồ sơ vay từ các năm trước.

Đại diện Ngân hàng Vietinbank Đồng Tháp cho hay, vụ này ngân hàng cho 1 - 2 DN vay với số lượng phân bổ khoảng 2 ngàn tấn gạo, tổng số tiền cho vay khoảng 15 - 16 tỷ  đồng, lãi suất cho vay sẽ áp dụng tối đa là 7%. Hiện mọi công tác chuẩn bị đã xong và chỉ chờ thủ tục của các DN để thực hiện giải ngân vốn.

Thùy Dương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận