Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và dân sinh

Hiện nay, có tổng cộng khoảng 79.700 hộ dân đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn mặn về nước sinh hoạt, trong sản xuất nông nghiệp, tổng cộng thiệt hại lúa vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019 - 2020 ước khoảng gần 29.700 ha.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), từ ngày 8/2 đến ngày 16/2/2020 xâm nhập mặn đang trong thời gian lên cao theo kỳ triều cường giữa tháng 1 Âm lịch, đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường.

Cụ thể: Từ ngày 21- 27/2, ranh mặn vào sâu cao nhất khoảng 55km, giảm khoảng 20 km so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2/2020; từ ngày 7- 15/3 xâm nhập mặn ở mức rất cao, ranh mặn 4g/lít ở mức 80 km, sâu hơn 5 km so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2/2020; từ cuối tháng 3 xâm nhập mặn sẽ giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước như tương tự một số năm gần đây. Ở vùng các sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4/2020.

dong bang song cuu long han man anh huong nghiem trong den nong nghiep va dan sinh
Khoảng 80.000 hộ dân đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó do hạn mặn

Hạn mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Bộ NN&PTNT ước tính, đến nay, tổng cộng thiệt hại lúa vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019 - 2020 khoảng gần 29.700 ha. Thời gian tới, các diện tích đã thu hoạch lúa Đông Xuân chưa được xuống giống vụ Hè Thu ngay, chỉ xuống giống khi xâm nhập mặn giảm, nguồn nước bảo đảm cung cấp. Đối với việc bảo vệ các diện tích cây ăn quả, do có những giải pháp kịp thời đến nay chưa bị thiệt hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Hiện nay, có tổng cộng khoảng 79.700 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt, trong đó, Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ đòi hỏi cần có các giải pháp để khắc phục kịp thời.

Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong mùa khô năm 2019 - 2020, Bộ NN&PTNT sẽ theo dõi sát tình hình, cập nhật hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước; tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kênh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đang được bàn giao tạm thời để vận hành trong mùa khô 2019- 2020;…

Đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn, giải pháp được đưa ra là khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng. Kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt ưu tiên các hộ dân nghèo, sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch….

Để tăng cường công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ trong việc hỗ trợ các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Xem xét đưa nội dung liên quan đến việc hỗ trợ kinh phí thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng cho các địa phương.

Trên lưu vực sông Mê Công, năm 2019- 2020 thuộc năm ít nước, lưu lượng về đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015 - 2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Điển hình, mực nước bình quân từ đầu mùa khô đến nay tại trạm Kratie (thuộc Campuchia) đạt 6,67 m, thấp hơn 1,43 m so với trung bình nhiều năm, thấp hơn 0,5 m so với cùng kỳ năm 2016; dung tích trữ Biển Hồ (Campuchia) đến ngày 10/2/2020 ước khoảng 1,9 tỷ m3, giảm khoảng 35,7 tỷ m3 so với thời điểm cao nhất (ngày 1/10/2019), thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 3,6 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 gần 30 triệu m3. Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019 - 2020.

Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận