Đồng bằng sông Cửu Long: Giải tỏa điểm nghẽn, khai thác tiềm năng

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần thêm những giải pháp góp phần giải tỏa điểm nghẽn, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng để huy động các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Còn nhiều điểm nghẽn

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL lần đầu tiên được công bố mới đây cho thấy, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm các yếu tố bên ngoài do tác động của biến đổi khí hậu đến những vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng…

Cụ thể, vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng kinh tế khác trong cả nước, đóng góp của vùng vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba thập kỷ qua giảm mạnh. Năm 1990, GDP của TP. Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên kế tiếp, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến nay. Lý giải sự sụt giảm này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, dẫn đến kết quả chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.

Về chuỗi cung ứng, xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục bị gián đoạn. Chi phí logistics vốn đã bị đánh giá là cao sẽ tăng thêm do phát sinh chi phí liên quan đến an toàn phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, làn sóng hồi hương của người ĐBSCL đang lao động ở Đông Nam bộ hay người đi xuất khẩu lao động có thể trở thành gánh nặng của vùng. Cùng với dịch bệnh, tình trạng hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng làm môi trường kinh tế - xã hội trở nên bấp bênh, gánh nặng về tâm lý, kinh tế đối với cả DN, người dân và chính quyền trong vùng ngày càng lớn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những điểm nghẽn cần được giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển ĐBSCL trong thời gian tới, khai thác tiềm năng của vùng trong phát triển kinh tế và tham gia hội nhập toàn cầu.

Giải quyết bài toán hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển vùng

Cụ thể hóa bằng chính sách, kế hoạch

Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Trường Chính sách công và quản lý Đại học Fulbright Việt Nam - đã đến lúc, ĐBSCL cần mô hình phát triển mới giải quyết được “bài toán” chia cắt và phân mảnh. Trong đó, có cơ chế hợp tác mang tính ưu tiên và được duy trì dài hạn 5, 10 hay 20 năm. Ưu tiên về quy hoạch tích hợp có đủ tầm nhìn xa, từ đó, đưa ra các chiến lược, kế hoạch ưu tiên về đầu tư. Chiến lược phát triển ĐBSCL cần cụ thể hóa bằng các chính sách, kế hoạch, mọi người đều phải thực thi, chứ không phải mạnh ai nấy làm.

Ngoài ra, để giải quyết các “nút thắt” trong phát triển vùng, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng phải bảo đảm thứ tự ưu tiên và kết nối, phát huy được cơ chế đối tác công - tư, tăng cường hơn nữa đầu tư cho giáo dục, chú trọng giáo dục kỹ năng và thực hành, gắn kết được với nhu cầu của DN và thị trường lao động. Tăng cường kết nối vùng thông qua một cơ chế điều phối vùng có hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Thông - quyền giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Tiền Giang - cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập “Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025 nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. Với quyết định này, mọi vấn đề liên kết sẽ được cụ thể hóa, chẳng hạn, để chọn một công trình giao thông, hội đồng điều phối vùng sẽ chấm điểm cho công trình đó dựa vào tiêu chí mang tính liên kết cao, công trình nào được điểm cao sẽ được chọn để ưu tiên đầu tư trước.

Ngoài thay đổi tư duy phát triển, thực hiện chặt chẽ việc điều phối và liên kết vùng cũng cần đánh giá đầy đủ tiềm năng, lợi thế của từng vùng ĐBSCL để huy động các nguồn lực đầu tư. Liên kết vùng cần được hiểu rộng hơn, đó là liên kết về môi trường, kinh tế, xã hội để tránh trùng lắp, tránh cạnh tranh lẫn nhau.

Năm 2020, kinh tế ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đều chịu sự ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, nhất là dịch Covid-19. Riêng đối với ĐBSCL, do hoạt động công nghiệp chưa phát triển, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, du lịch chủ yếu phục vụ khách trong nước nên tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế ĐBSCL được đánh giá là nhẹ nhàng hơn so với các trung tâm công nghiệp, thương mại và du lịch của cả nước.

Thanh Thanh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận