“Miền đất hứa”
Tại cuộc họp báo thường niên giữa kỳ tài khóa 2020, ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam - cho biết: Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã thực hiện cuộc khảo sát về đa dạng hóa nguồn cung ứng với 30 DN Nhật có cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Kết quả, có 15/30 DN muốn mở rộng và đa dạng hóa sản xuất sang Việt Nam.
![]() |
Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng |
Cũng theo ông Shimizu Akira, nhiều DN Nhật Bản kỳ vọng vào Việt Nam trong kế hoạch mở rộng nhà máy, đa dạng chuỗi cung ứng. Bởi Chính phủ Việt Nam đang có những động thái tích cực để trở thành một trong những quốc gia trọng tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Chương trình “Giao thương chuỗi cung ứng và sản phẩm công nghiệp Thái Lan” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, bà Suparporn Sookmark- Giám đốc Văn phòng Thương vụ Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ: Việt Nam đang là “miền đất hứa” cho việc tái đầu tư nhờ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chi phí cạnh tranh, các hiệp định thương mại và môi trường đầu tư tự do.
Theo các chuyên gia, nhiều DN đang xem xét chuyển đổi chuỗi cung ứng, và Việt Nam là ứng cử viên sáng giá để lựa chọn. Lý do, đây là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và có thị phần toàn cầu tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử phát triển nhanh, với mức tăng trưởng lên 30% mỗi năm.
Nhận định về xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Khi thương mại toàn cầu chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, việc tái cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng càng trở nên rõ ràng và cấp thiết. Nhiều quốc gia đang có động thái tái cấu trúc chuỗi cung ứng, rút ngắn các chuỗi và kéo sản xuất trở về nước mình.
Cải thiện để đón cơ hội
Dù có nhiều cơ hội, nhưng Trưởng đại diện JICA cũng đề cập tới một vấn đề tồn tại mà nhiều DN Nhật Bản tại Việt Nam quan tâm là: Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Để tận dụng được cơ hội đó, ông Shimizu Akira cho rằng, Việt Nam cần cải thiện thêm về chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để thu hút đầu tư nước ngoài.
Trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu là điều các DN Việt mong muốn nhằm nâng cao doanh thu cũng như giá trị thương hiệu, nhưng không dễ để thực hiện. Thực tế, có nhiều DN Việt chưa mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vì e ngại sản phẩm không tham gia được vào chuỗi cung ứng.
Nhiều ý kiến cho rằng, DN Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay. Sự nỗ lực của DN là yếu tố chính, song sự hỗ trợ của địa phương rất quan trọng và định hướng nhà nước mang tính quyết định.
Theo Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á năm 2020 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây, dự báo kinh tế của nhiều nước sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020, trong khi kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 1,8%. |