Trong tháng 1/2020, cả nước có 8.276 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký 267,2 nghìn tỷ đồng. Theo Tổng cục Thống kê, do Tết Nguyên đán vào tháng 1 nên số DN thành lập mới giảm 17,9% về số DN nhưng lại tăng 76,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể, tổng vốn đăng ký của DN thành lập mới tháng 1/2017 tăng 52,3% so với cùng kỳ năm trước; tháng 1/2018 tăng 8,9%; tháng 1/2019 tăng 53,8%.
![]() |
Doanh nghiệp khoa học - công nghệ thành lập mới tăng cao |
Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nếu không tính 1 DN thành lập mới thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tại Hà Nội với vốn đăng ký 144 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng số vốn đăng ký thành lập mới của DN cả nước trong tháng 1 thì vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới là 14,9 tỷ đồng. Nếu tính cả 234,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 3.652 DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2020 là 501,4 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong tháng 1, còn có 8.470 DN quay trở lại hoạt động, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2019, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong tháng lên 16.746 DN. Trong khi đó, có 1,62 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về số DN thành lập mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, các DN đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội. Điều này đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện đa số DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm tới hơn 97% tổng số DN, số lượng DN cỡ vừa đang tăng lên và chiếm tỷ trọng khoảng 3,5%, nhưng vẫn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực (trung bình phải đạt khoảng 5-10%).
Nhằm phát triển DN và kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách tập trung phát triển DN nhằm hình thành lực lượng DN có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. tế. Chính lực lượng DN này sẽ đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt các DN nhỏ và vừa trong nước tham gia và các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, đưa DN Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tháng 1/2020, một số lĩnh vực có DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản xuất phân phối điện, nước, gas (tăng 8,6%); thông tin và truyền thông (8%); khoa học - công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (4,6%); giáo dục, đào tạo (2%)… |