Doanh nghiệp tái khởi động sau đại dịch: Xác định yếu tố "sống còn"

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp (DN) tái khởi động sau đại dịch", được tổ chức mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia chuyển đổi số Công ty FSI - cho rằng: Nhận thức về chuyển đổi số của các DN còn hạn chế, thậm chí sai lầm. Cần xác định chuyển đổi số là để tồn tại và bắt đầu từ quy trình sản xuất.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - nhận định, đại dịch Covid-19 đã khiến các DN đứng trước những thách thức rất lớn cần phải thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cùng với các nguy cơ bất ổn định của nền kinh tế vĩ mô, áp lực lạm phát... "Thực tiễn đã chứng minh, tăng cường khả năng chống chịu trước khủng hoảng sẽ là năng lực cốt lõi, DN cần thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong xu thế thay đổi để thích ứng, chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa vận hành, quản trị, sản xuất, kinh doanh… cần thực hiện quyết liệt từ lãnh đạo đến nhân viên. Đồng thời, gắn với tầm nhìn chiến lược thực tế của DN, lựa chọn chiến lược và giải pháp chuyển đổi số phù hợp.

Liên quan đến chuyển đổi số của DN, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 gần 2 năm. Mặc dù cũng đã có một số DN chuyển đổi số từng phần và đạt được mức độ DN số (lĩnh vực ngân hàng, hàng không…), nhưng vẫn có khoảng trên 90% DN rất mơ hồ, lúng túng. Nhiều DN cho rằng, chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng một số phần mềm số hóa vào hoạt động, tự động hóa một số khâu… trong quy trình, trở thành DN số. Theo ông Nguyễn Tuấn Hoa, đó là nhận thức sai lầm, không thể xây dựng được chiến lược chuyển đổi số phù hợp. Với kinh tế số, các thiết bị, công nghệ, máy móc thu thập và phân tích dữ liệu thay thế con người làm việc ở một số công đoạn hoặc tự động hóa toàn diện. Chuyển đổi số tức là chuyển đổi toàn diện từ nhận thức, đến mô hình kinh doanh để làm theo cách làm của kỷ nguyên số.

Doanh nghiệp tái khởi động sau đại dịch: Xác định yếu tố "sống còn"
Chuyển đổi số của doanh nghiệp là quá trình tất yếu

Trình độ phát triển chung của DN Việt Nam hiện vẫn ở giữa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 (điện tử). Muốn chuyển đổi số, cần có cách làm riêng mang tính đột phá, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn. Trước đây, người ta xây dựng chiến lược phát triển xong mới lựa chọn công nghệ; ngày nay, công nghệ dẫn dắt chiến lược phát triển. DN cần nhận biết được rằng, công nghệ nào đang dẫn dắt cuộc chơi để định hướng xây dựng chiến lược phát triển. Công nghệ dẫn dắt thời 4.0, đó là Big Data (dữ liệu lớn). Tương lai của chuyển đổi số, tất cả hoạt động sẽ được điều hướng bởi dữ liệu. Nếu có đủ dữ liệu, DN sẽ điều hướng được việc tối ưu hóa hoạt động.

Tái khởi động sau đại dịch, DN phải nhận thức được các ưu tiên chuyển đổi số và chia nhỏ quy trình sản xuất tối đa để đưa máy móc, công nghệ vào thay thế con người. DN phải mô tả được chi tiết quy trình hoạt động, khâu nào cần thay đổi, cần máy móc, công nghệ, cần tự động hóa để số hóa, đồng thời cần lựa chọn đối tác tin cậy, lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phù hợp…

Ông NGUYỄN TUẤN HOA - Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia chuyển đổi số Công ty FSI: Chuyển đổi số là chuyển đổi toàn diện từ nhận thức đến mô hình kinh doanh, làm theo cách làm của kỷ nguyên số.
Lan Ngọc
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận