Doanh nghiệp sản xuất ethanol: Loay hoay với khó khăn kép

Khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ, và nhất là việc giá nguyên liệu quá cao là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự đình đốn sản xuất của các nhà máy ethanol.
\"\"

Hiện cả nước đã có 7 nhà máy sản xuất ethanol từ nguyên liệu sắn được xây dựng với tổng công suất thiết kế 502 nghìn tấn ethanol/năm, trong đó 6 nhà máy đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 3 nhà máy sản xuất cầm chừng và 4 nhà máy đã dừng hoạt động.

Lý giải về vấn đề này, ông Lưu Quang Thái- Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam- cho biết, các nhà máy mới xây dựng sau năm 2007, hầu hết đều sử dụng sắn khô làm nguyên liệu chính. Ở thời điểm lập dự án đầu tư (2007), giá sắn khô ở Việt Nam mới khoảng trên dưới 120 USD/tấn FOB cảng Việt Nam. Đến năm 2013, giá sắn đã lên đến 250 USD/tấn, trong khi giá cồn thế giới tăng chậm (từ 550 USD/tấn năm 2007 lên 800 USD/tấn 2013). Các nhà máy cồn Trung Quốc đã được xây dựng từ lâu, hầu hết đã hết khấu hao, hơn nữa còn được nhà nước trợ giá sản xuất. Ngoài ra, ngành sản xuất hóa chất hữu cơ sử dụng cồn làm nguyên liệu ở Trung Quốc đã phát triển rất mạnh, tạo nhu cầu lớn về cồn, nên giá cồn Trung Quốc luôn cao hơn giá cồn thế giới. Các yếu tố trên tạo điều kiện để các nhà sản xuất cồn Trung Quốc có khả năng đẩy giá mua nguyên liệu lên cao. Bên cạnh đó, mấy năm gần đây, khi Thái Lan sử dụng xăng sinh học E10, nhu cầu sử dụng nguyên liệu sắn cho các nhà máy cồn Thái Lan tăng lên, làm giá sắn Thái Lan tăng, các nhà máy cồn của Trung Quốc đã chuyển sang mua sắn của Việt Nam. Đây là nguyên nhân chính khiến giá nguyên liệu sắn tăng đột biến.

Theo QĐ số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình bắt buộc tỷ lệ phối trộn xăng sinh học, nhu cầu cồn nhiên liệu dự kiến sẽ đạt mức 528 triệu lít vào năm 2015, tăng lên 773 triệu lít và 860 triệu lít tương ứng vào năm 2020 và 2030.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Võ Thành Đô- Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN& PTNT)- chia sẻ, hiện có khoảng trên 1 triệu tấn sắn lát khô đang được xuất sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 95%, khiến sắn nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất ethanol trong nước không đủ.

Nhằm bảo đảm sản lượng sắn phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt cần phải quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, không nên mở rộng diện tích trồng sắn quá mức. Tiếp đến là tạo vùng nguyên liệu tốt bằng các giống mới kết hợp các biện pháp thâm canh phù hợp, đưa năng suất bình quân cả nước trên 30 tấn/ha. Bên cạnh đó cần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu sau tinh bột để sản xuất xăng sinh học- ethanol, giảm và tiến tới không xuất khẩu sắn lát (sắn thô). Bên cạnh đó, Hiệp hội Xăng sinh học cần phối hợp với Hiệp hội Sắn nghiên cứu đề xuất các chính sách cụ thể hơn nữa về chế biến sâu gồm chính sách về thương mại, tài chính tín dụng… 

Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận