Kiệt quệ sau 4 làn sóng dịch
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, giám đốc một DNNVV hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các thiết bị cho ngành in ấn, quảng cáo - bà Phạm Thị Thụ - nhấn mạnh: Không còn là khó khăn nữa, mà phải dùng từ kiệt quệ về cả tài chính và tinh thần mới đúng với các DNNVV vào thời điểm này.
![]() |
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn về tài chính |
Sau hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh, với liên tiếp 4 đợt dịch. “Năm 2020 chúng tôi còn lạc quan, kỳ vọng dịch bệnh sớm kết thúc khi có vắc-xin, chứ đến thời điểm này, liên tục các đợt dịch và biến thể mới xuất hiện, tài chính của doanh nghiệp đã kiệt quệ” - bà Phạm Thụ Thụ cho biết thêm.
Những khó khăn của DNNVV đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra trong báo cáo tình hình doanh nghiệp 6 tháng đầu năm. Cụ thể, 6 tháng cả nước có 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh thì có tới 32.251 doanh nghiệp (chiếm 90,6%) có quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng. Hay trong số 24.660 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể trong 6 tháng thì có tới 22.224 doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ từ 0-10 tỷ đồng, chiếm 90,1% tổng số doanh nghiệp…
Dù có ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp có quy mô nhỏ rời khỏi thị trường giống như một cuộc “thanh lọc” những doanh nghiệp yếu, không đủ sức chống chọi với các “cú sốc” của nền kinh tế, điều này sẽ mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp đang hoạt động và doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên, theo PGS-TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đến nay đã được 1,5 năm, nên doanh nghiệp nào đến giờ này vẫn đang hoạt động thì có thể coi là “đẳng cấp” rồi, còn những doanh nghiệp ngừng hoạt động thời gian vừa qua thì cũng là những doanh nghiệp có chất lượng. Không thể so sánh những doanh nghiệp hoạt động được 5 năm với những doanh nghiệp mới thành lập, chưa có kinh nghiệm. Những doanh nghiệp mới thành lập cũng chưa thể thay thế được doanh nghiệp đã phá sản.
Cần những chính sách mạnh mẽ hơn
Khu vực DNNVV hiện đang chiếm tới hơn 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây cũng là khu vực có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo việc làm cho người lao động. Thực tế, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV, song chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Điển hình là gói hỗ trợ doanh nghiệp trị giá 62.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp cho biết không thể tiếp cận được do các điều kiện quá khắt khe.
DNNVV thường yếu về năng lực cạnh tranh nhưng lại có ưu điểm là nhanh hơn, nhạy bén hơn với những “cú sốc” từ bên ngoài. Do đó, nếu được hỗ trợ kịp thời, khu vực doanh nghiệp này sẽ có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ngay trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. |
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho DNNVV, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, những gói hỗ trợ tới đây cần được thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa. Cụ thể là gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng mà Chính phủ vừa thông qua nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cần triển khai càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, ông Cấn Văn Lực cũng kiến nghị, Chính phủ nên có thêm gói hỗ trợ lãi suất có trọng tâm, trọng điểm cho DNNVV chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, gói này chỉ nên tập trung vào một số ngành, lĩnh vực, một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng chứ không nên đại trà. Theo tính toán, quy mô gói hỗ trợ lãi suất trên có thể lên tới 50-60 nghìn tỷ đồng, với lãi suất cho vay khoảng 3-4%, thời gian hỗ trợ khoảng 1 năm và số tiền mà nhà nước phải cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng. Nếu làm như vậy thì đây sẽ là “cú huých” rất lớn cho DNNVV vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn này.