Doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh

Báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, tính chung 9 tháng năm 2018, tổng số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động là 73.103 DN, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. "Đây là một điều bất thường", báo cáo này nhận định.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, tổng số DN ngừng hoạt động trên phạm vi cả nước là 60.553 DN, tuy có giảm 0,2% so với năm 2016 nhưng so với số DN thành lập mới của cả nước năm 2017 là 126.859 DN, cũng đã chiếm xấp xỉ 50%.

\"doanh
Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực

Đáng chú ý, một số địa phương có số lượng DN ngừng hoạt động lớn trong năm 2017 gồm: TP. Hồ Chí Minh 35,6%; Hà Nội 22%; Đà Nẵng 3,1%; Bình Dương 2,5%; Hải Phòng 2,3%...

Hiện tượng DN ngừng hoạt động đã kéo dài nhiều năm nay và tăng đột biến từ đầu năm đến nay đang đòi hỏi một câu trả lời rốt ráo từ phía các cơ quan chức năng. Tuy nhiên cho đến nay, câu trả lời còn bỏ ngỏ. Ngay tại buổi công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và các địa phương năm 2017 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - thừa nhận, chưa tìm được căn nguyên của việc DN ngừng hoạt động.

Theo báo cáo của Cục Đăng ký và quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, song vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng DN như: Quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh vẫn còn chồng chéo, bất cập; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản đối với sự phát triển của DN. Nhiều DN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực tín dụng.

Bên cạnh việc tăng cường cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, rất cần có những đánh giá về hiệu quả thực chất của các cắt giảm này \"thấm\" tới DN ra sao. TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - cho rằng, có những cắt giảm tác động ngay và được DN đánh giá cao như các quy định mới đây về kinh doanh gas hay xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương. Tuy nhiên cũng theo TS. Cung, những cắt giảm mang tính tích cực như thế không có nhiều.

Một nguyên nhân sâu xa khác được TS. Nguyễn Đình Cung dẫn chứng cho lượng DN ngừng hoạt động gia tăng có thể thấy ngay trong việc Việt Nam tụt hạng 3 bậc, từ vị trí 74 xuống thứ 77 trong số 140 nền kinh tế được xếp hạng trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu thường niên 2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố. Trong khi yếu tố đổi mới sáng tạo được xem là tiêu chí mới để đánh giá năng lực cạnh tranh của DN thì Việt Nam được đánh giá rất thấp. \"DN buộc phải đổi mới để tồn tại, còn tồn tại dựa vào quan hệ, cơ chế xin cho, thì triệt tiêu sáng tạo và buộc phải ngừng hoạt động\" - TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Quỳnh Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận