Để đạt được mục tiêu đề án đặt ra, UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Công Thương, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm phát triển, đầu tư mở rộng SXKD. Sở Công Thương đóng vai trò chính thực hiện các mục tiêu, đề án, dự án liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, thương mại; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố.
![]() |
Lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu |
Được đánh giá là một trong các địa phương chú trọng phát triển sản xuất công nghiệp đi cùng với bảo vệ môi trường, những năm qua, hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, TP. Đà Nẵng đã lựa chọn rất kỹ các dự án đầu tư vào KCN, không để ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống. Điển hình như Công ty TNHH Daiwa Việt Nam - doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư 100% của Nhật Bản - hoạt động tại KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Từ năm 2007 đến nay, công ty không chỉ đầu tư xây dựng nhà máy thông minh, gia tăng hàm lượng công nghệ, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, DN này luôn hướng đến mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, theo kế hoạch phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, nhà máy mới sẽ chia làm hai phần, một phần sản xuất ưu tiên thân thiện môi trường, một phần sản xuất theo quy trình công nghệ cao. Song, sản xuất theo hướng nào, DN cũng sẽ tập trung giảm sử dụng điện bằng cách thiết kế nhà thông gió, lắp đặt kính trong…
Còn tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu, nhằm cam kết sản xuất sạch, từ năm 2016 đến nay, DN này đã triển khai áp dụng 21 giải pháp, sáng kiến nhằm góp phần thực hiện mục tiêu sản xuất sạch hơn, tiết kiệm điện, nước, hóa chất, chất thải rắn, khí và nước thải... Đặc biệt, công ty đã đầu tư 2 giải pháp đổi mới công nghệ với nguồn kinh phí hơn 3 tỷ đồng gồm: Tăng năng lực xử lý cho hệ thống xử lý nước thải, thiết bị ép và băng chuyền vận chuyển nguyên liệu. Sau gần 1 năm, DN đã tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng chi phí về giấy, phế liệu các loại cũng như hơn 1,5 tỷ đồng chi phí tiền điện, góp phần bảo vệ môi trường.
Để thực hiện các mục tiêu trong Đề án đặt ra, giai đoạn 2021 - 2030, Sở Công Thương Đà Nẵng xác định sẽ thường xuyên tổ chức thực hiện nghiên cứu, phát triển các chương trình, dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo của thành phố; hỗ trợ các mô hình cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm xây dựng Mô hình quản lý theo ISO 50001:2018; triển khai các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Bên cạnh đó, triển khai hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi, thay thế các trang thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng bằng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, nhân rộng kết quả; lập kế hoạch thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất ở các làng nghề vào các cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu.
Tổng kinh phí cho các hoạt động ước khoảng 675 tỷ đồng; trong đó ngân sách hỗ trợ 25 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 650 tỷ đồng. |