![]() |
Ảnh Internet |
Tiền thân của Công ty Điện lực Gia Lai là Sở Quản lý và phân phối điện tỉnh Gia Lai - Kon Tum được Bộ Điện và Than thành lập vào ngày 28/12/1976 gồm các cơ sở điện lực của chính quyền Sài Gòn cũ.
Sau ngày giải phóng tỉnh Gia Lai, cơ sở vật chất của ngành điện trên địa bàn rất nghèo nàn, lạc hậu, 50 CNVC đầu tiên của ngành điện tỉnh Gia Lai - Kon Tum tiếp quản 3 cụm máy phát diesel gồm 5 tổ máy - 2.200 kW tại Pleiku, 3 tổ máy - 800 kW tại Kon Tum, 4 tổ máy - 700 kW tại AyunPa do chính quyền cũ để lại. Khó khăn không hề làm nản lòng thế hệ những người xây dựng nền móng đầu tiên ấy, họ đã khắc phục mọi trở ngại để khôi phục toàn bộ số máy móc sau tiếp quản nhanh chóng cấp điện trở lại cho thị xã Pleiku, Kon Tum và thị trấn AyunPa với sản lượng điện năm 1976 là 3,78 triệu kWh.
Để tăng cường các nguồn điện diesel, năm 1980, Sở Quản lý và phân phối điện Gia Lai - Kon Tum tiếp nhận Nhà máy điện Cù Hanh của quân đội gồm 5 tổ máy diesel - 2.200 kW. Giai đoạn từ 1984-1992, tiếp tục chuyển 16 tổ máy diesel của Liên Xô và Tiệp Khắc có tổng công suất 8,1 MW ở miền Bắc vào lắp tại Nhà máy điện Biển Hồ để cấp điện cho thị xã Pleiku.
Một trong những thời khắc không thể nào quên đó là ngày 12/11/1994, TP. Pleiku và một số vùng lân cận được nhận điện lưới quốc gia qua đường dây 500kV Bắc - Nam và trạm biến áp 500kV Pleiku. Đây là dấu mốc, là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ lưới điện phân phối của tỉnh.
![]() |
Công ty Điện lực Gia Lai thi công xây dựng lưới điện (Ảnh Internet) |
Bên cạnh đưa điện về những vùng sâu, vùng xa chưa có điện, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Công ty Điện lực Gia Lai là một trong những đơn vị đầu tiên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được chọn để thực hiện đồng loạt việc tiếp nhận lưới điện trung áp, lưới điện nông lâm trường, lưới điện nông thôn, sau đó triển khai ngay công tác cải tạo để bán điện trực tiếp đến các hộ dân với chất lượng điện ngày càng đảm bảo, nhân dân được hưởng giá điện của nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có 222/222 phường, xã, thị trấn có điện - đạt 100%; 2.508/2.508 tổ, thôn, làng có điện - đạt 100%; 312.910/ 319.992 hộ dân có điện - đạt 97,8%.
Thực hiện hiệp định giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia về hợp tác trong lĩnh vực điện năng, Công ty Điện lực Gia Lai đã khẩn trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng lưới điện cấp điện cho Điện lực Ratanakiri gồm 2 giai đoạn với tổng giá trị đầu tư 45 tỷ đồng. Ngày 10/5/2011, công trình hoàn thành và chính thức cấp điện cho tỉnh Ratanakiri từ lưới điện quốc gia Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.
Những năm gần đây, sau khi cơ bản đáp ứng đủ điện và hoàn thành điện khí hóa nông thôn, công ty đã tập trung đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng cung cấp điện và hiệu quả sản xuất kinh doanh với các công tác trọng tâm mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phát động. Cụ thể, năm 2012 là “Năm truyền tải điện”, năm 2013 là năm “Kinh doanh và dịch vụ khách hàng”, năm 2014 là năm “Tối ưu hoá chi phí và điện cho miền Nam”, năm 2015 là năm “Nâng cao năng suất lao động” và năm 2016 là năm “Nâng cao quản trị doanh nghiệp”.
Công tác dịch vụ khách hàng đã có nhiều cải tiến đáng kể về chất lượng. Trung tâm Chăm sóc khách hàng 19001909 của Tổng công ty Điện lực miền Trung đưa vào hoạt động phối hợp nhịp nhàng với bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty đã tạo kênh giao tiếp 2 chiều rất thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận các thông tin như: sửa chữa điện, giải thích hóa đơn tiền điện, thủ tục cấp điện, di dời công tơ điện, giải đáp thắc mắc liên quan đến hoạt động cung ứng và sử dụng điện…
Ngoài ra, công ty cũng đã ứng dụng rộng rãi hóa đơn điện tử; thu qua ngân hàng hay tại các điểm bưu điện văn hóa xã; thực hiện gửi tin nhắn SMS và email thông báo sản lượng điện tiêu thụ và tiền điện hàng kỳ; lịch tạm ngừng cung cấp điện v.v... cho khách hàng.
Bên cạnh việc thực hiện chế độ một cửa trong khâu cấp điện mới, công ty đã triển khai dùng máy tính bảng, điện thoại thông minh làm các thủ tục cấp điện lưu động; thu tiền điện và gạch nợ trực tuyến mà không yêu cầu khách hàng phải đến trụ sở điện lực… được khách hàng đánh giá rất cao. Đối với các khách hàng sử dụng điện sản xuất, kinh doanh dịch vụ có sản lượng điện từ 5.000 kWh/tháng trở lên đã được công ty lắp đặt hệ thống đo xa, khách hàng có thể truy cập vào trang web http://mdms.cpc.vn để xem sản lượng điện tiêu thụ, công suất sử dụng trực tuyến.
Từ đầu năm 2016, công ty đã triển khai chương trình ghi điện tự động tức thời qua hệ thống RF-Mesh tại TP. Pleiku. Các khu vực được lắp đặt hệ thống này sẽ giúp khách hàng theo dõi và kiểm soát trực tuyến hàng giờ thông số sử dụng điện của mình trên website của ngành điện để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty thường xuyên quan tâm đến công tác xã hội từ thiện, “Đền ơn, đáp nghĩa\" \"Uống nước nhớ nguồn” với các hoạt động như: xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, xây dựng phòng học cho các điểm trường, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ trẻ em mồ côi; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.
Ngoài ra toàn thể CBCNV còn tham gia nhiều đợt vận động thường niên và đột xuất như: ủng hộ Trường Sa, đóng góp Quỹ tương trợ xã hội; ủng hộ CNCV-LĐ trong công ty gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau, hoạn nạn.