![]() |
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước (đầu tiên bên phải) trong chuyến đi thực tế tại tỉnh Đồng Nai |
Trách nhiệm của người làm công tác dân tộc
Do nhiều nguyên nhân, đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn so với đồng bằng. Làm thế nào để phát huy tối đa hiệu quả của các chương trình, dự án đang thực hiện ở vùng đồng bào; nghiên cứu, xây dựng, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước giải pháp đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển ở khu vực còn khó khăn, cũng như khai thác tiềm năng ở khu vực miền núi... Những trăn trở này luôn được ông Ksor Phước trăn trở. Ông cho rằng, người cán bộ làm công tác dân tộc phải hội tụ đầy đủ phẩm chất của người cán bộ xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là phải có “trí” để làm việc cho đúng; “tâm” để làm việc cho đủ, cho thấu; “nhân” để không tư lợi, để đi sâu, đi sát, tìm hiểu nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của đồng bào. “Cán bộ làm công tác dân tộc phải có tư tưởng và nhận thức đúng đắn, không cục bộ, bản vị, hẹp hòi. Nếu đặt chữ “tôi” của mình vào đó thì không thể thực hiện được” - ông Ksor Phước khẳng định.
Ông Ksor Phước chia sẻ: Công tác dân tộc là lĩnh vực đa ngành, đa lĩnh vực và cần có sự tham gia của nhiều ngành trong hệ thống chính trị. Với tính chất và đặc điểm đó, người cán bộ làm công tác dân tộc phải hiểu biết chuyên môn đa ngành, hiểu rõ đặc điểm dân tộc, ngôn ngữ, phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của đồng bào. Đặc biệt phải gần dân, hiểu dân, trọng dân và có kỹ năng vận động quần chúng. Cán bộ phải gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức “nói đi đôi với làm” để làm gương vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nên đòi hỏi người cán bộ phải trong sạch “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Có như vậy, mới tham mưu cho Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi. Bên cạnh đó, dù ở vị trí nào, người cán bộ làm công tác dân tộc cần một lòng hướng về đồng bào. Đối với mỗi vùng đất, con người, chỉ khi chúng ta thực sự tâm huyết, gắn bó, hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào, những khó khăn, trăn trở tại vùng đó mới dần được tháo gỡ, giải quyết.
Thách thức trong giai đoạn mới
Ông Ksor Phước cũng đặc biệt nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức đối với vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới mà Đảng và Nhà nước cần quan tâm.
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng hiện nay chỉ mới đáp ứng được mức tối thiểu nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số. Điện mới chỉ phục vụ thắp sáng, chưa đủ điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh; nước còn thiếu nhiều; đường giao thông chưa hoàn thiện… Thứ hai, các chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất phải gắn với vấn đề di cư tự do. Đặc biệt, đối với công tác ổn định dân di cư tự do cần có giải pháp phù hợp trên cơ sở pháp luật hiện hành.
Thứ ba, phải thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Chính sách dân tộc tạo ra cơ chế và huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trọng yếu. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là chính sách phải đồng bộ, thể chế hóa chính sách để đồng bào dễ hiểu, làm theo.
Trong giai đoạn mới, cần có những bước chuyển mạnh hơn nữa về thực hiện chính sách dân tộc; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo cho bà con. Muốn xóa đói, giảm nghèo bền vững cần chú trọng dạy nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh toàn diện, sâu sắc chiến lược giáo dục, đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc để lãnh đạo đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả nước; chú trọng đến việc nâng cao mặt bằng dân trí, tạo tiền đề giúp bà con tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt…
Người cán bộ làm công tác dân tộc phải hội tụ đầy đủ phẩm chất của người cán bộ xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là phải có “trí” để làm việc cho đúng; “tâm” để làm việc cho đủ, cho thấu; “nhân” để không tư lợi, để đi sâu, đi sát, tìm hiểu nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của đồng bào. |