Ðể chính sách là “đòn bẩy” phát triển vùng dân tộc

Sau khi Nghị định số 05/NÐ-CP có hiệu lực, tùy vào chức năng, vai trò mà các bộ, ban, ngành trong cả nước đã triển khai nhiều hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cần sớm được tháo gỡ.
\"\"
Trồng cây ăn quả theo mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La

Những bất cập từ chính sách

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011 - 2015 có hơn 200 chính sách khác nhau hỗ trợ thực hiện vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, qua đánh giá giám sát của Hội đồng dân tộc Quốc hội, vẫn còn nhiều chính sách có cùng nội dung hỗ trợ được thực hiện trên cùng một địa bàn, do các cơ quan quản lý khác nhau cùng thực hiện. Ví dụ, công trình cấp nước sạch trên địa bàn 1 xã có thể được thực hiện bằng hơn 7 chương trình đầu tư khác nhau: Chương trình hỗ trợ cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn 135, Chương trình hỗ trợ cơ sở hạ tầng các xã biên giới theo Quyết định 120, Chương trình hỗ trợ nước sạch cho đồng bào đặc biệt khó khăn theo Quyết định 134, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình hỗ trợ định canh định cư, Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ… Trong khi đó, từng chương trình, chính sách đều do một bộ, ngành quản lý theo cơ chế quản lý, thanh quyết toán riêng biệt nên khó lồng ghép thực hiện tại địa phương.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách đôi khi còn chưa sát với yêu cầu đặt ra. Số liệu về nhu cầu chủ yếu được tổng hợp từ dưới lên, chưa được rà soát, sàng lọc chặt chẽ. Nhu cầu thực hiện các chính sách đề ra là rất lớn, dẫn đến vượt quá khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước. Đơn cử như, Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nước sinh hoạt đối với đồng bào dân tộc khó khăn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, với nhu cầu ban đầu là 4.474 tỷ đồng. Năm 2008 ngân sách Trung ương đã bố trí đáp ứng đủ 100% nhu cầu này. Sau đó, UBDT đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài chính sách này tại Quyết định 1592/QĐ-TTg và qua rà soát nhu cầu này lại tăng lên 7.911 tỷ đồng và tại Quyết định 755/QĐ-TTg UBDT tổng hợp nhu cầu là 11.755 tỷ đồng… Mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhưng vì khả năng cân đối ngân sách thường xuyên không theo kịp nhu cầu nên chưa thể thực sự tạo ra bước đột phá, phát triển cho vùng DTTS và miền núi.

Tạo sự chủ động cho người dân

Để vùng DTTS và miền núi có những đổi thay mạnh mẽ, cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay được xác định, đó là phải giảm tỷ lệ hộ nghèo. Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất: Trước mắt, nghiên cứu tạo điều kiện về cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có vùng DTTS theo hướng liên kết với hợp tác xã, trang trại, gia trại, nông dân để sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị.

Ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa mũi nhọn để sản xuất theo hướng tập trung, quy mô và khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, tạo thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về hỗ trợ sản xuất để giảm nghèo nhằm tích hợp các chính sách và thống nhất cơ chế thực hiện, giảm chồng chéo, trùng lặp và tăng hiệu quả của công tác hỗ trợ. Đồng thời, đổi mới phương thức hỗ trợ theo hướng tạo sự chủ động cho người dân, giảm trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Tuy nhiên, muốn hoạt động sản xuất trên được thực hiện quy mô, hiệu quả, cần triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách về dạy nghề cho học sinh, sinh viên, học viên là người DTTS... Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần chú trọng thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, giải pháp về phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm vùng đồng bào DTTS. Song song với việc nâng cao năng lực của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương, nhất là 5 khu vực: Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; cần tạo cơ hội tiếp cận thông tin việc làm cho đồng bào. Đồng bào được học nghề, sống được bằng nghề ngay trên chính quê hương mình sẽ là nền tảng vững chắc nhất để vùng DTTS và miền núi có cơ hội thay đổi mạnh mẽ từ diện mạo đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

P.V
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận