![]() |
Ảnh minh họa |
Kinh doanh nhượng quyền thương mại (NQTM) là một cách huy động vốn, nguồn lực, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu… và thu lợi nhuận một cách khôn ngoan của các nhà đầu tư nước ngoài. Với mức độ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động NQTM theo đó cũng đã và đang phát triển khá phổ biến ở thị trường Việt Nam.
Hoạt động NQTM tại Việt Nam hiện vẫn chủ yếu do các DN, thương hiệu lớn của nước ngoài thực hiện. Tính đến thời điểm hiện tại, có 201 DN nước ngoài với hơn 100 thương hiệu đã được Bộ Công Thương cấp phép NQTM tại Việt Nam. Trong khi đó, mới chỉ có 3 DN Việt Nam được cấp phép NQTM ra bên ngoài.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các nhà NQTM quốc tế thường có lợi thế cạnh tranh nhờ có nhiều kinh nghiệm về tiếp thị, cung cấp dịch vụ, có thương hiệu vượt trội, có nguồn lực hỗ trợ và cách thức tổ chức mạng lưới kinh doanh quy mô lớn, hiệu quả, khả năng giám sát các tổ chức nhận nhượng quyền rất bài bản, linh hoạt trong hoạt động tại các thị trường có trình độ phát triển khác nhau… Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam có tiềm năng phát triển nhưng chưa được đầu tư khai thác đúng mức, hiệu quả, nếu có các cơ chế, chính sách thích hợp cho NQTM sẽ góp phần mang lại những lợi ích lớn cho người tiêu dùng, thúc đẩy DN Việt Nam phát triển, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.
Kinh doanh NQTM tuy còn mới mẻ ở Việt Nam, song đã và đang phát triển mạnh mẽ, xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, NQTM phát triển còn chưa toàn diện, vẫn tập trung chủ yếu ở 2 lĩnh vực chính là thực phẩm và đồ uống. Đến nay, chưa có nghiên cứu đầy đủ, cụ thể, chuyên sâu về NQTM trong từng lĩnh vực kinh doanh… để có cơ chế, chính sách quản lý, hỗ trợ thích hợp cho NQTM phát triển, đảm bảo tạo điều kiện cho các DN áp dụng và triển khai mô hình kinh doanh NQTM hiệu quả nhất, qua đó hỗ trợ các DN trong nước liên kết, liên doanh, tạo dựng thương hiệu và mở rộng thị trường ra bên ngoài.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện Đề án “Phát triển kinh doanh NQTM” nhằm bổ sung những vấn đề về lý luận, thực tiễn, phục vụ công tác hoạch định chính sách. Dự kiến đề án này sẽ hoàn thành và công bố cuối năm 2018. Khi đó, bức tranh tổng quan, cụ thể về NQTM tại Việt Nam với những phân tích, đánh giá chuyên sâu về tiềm năng, thực trạng, kết quả, tồn tại, bất cập, nguyên nhân… sẽ được chỉ rõ. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy phát triển toàn diện NQTM, quản lý hiệu quả loại hình kinh doanh này tại Việt Nam.
![]() |
![]() |