Tăng tốc triển khai
Mặc dù đang bị dịch Covid-19 tấn công, song nhiều tỉnh, thành phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… là những địa phương tích cực triển khai gói hỗ trợ DN và NLĐ gặp khó khăn theo Nghị quyết 68. Các tỉnh, thành phía Bắc cũng nỗ lực triển khai gói hỗ trợ với tiêu trí đến đúng đối tượng nhanh nhất.
![]() |
Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ - Ảnh:VGP |
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh: UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ từ ngày 14/7 và đang nhận hồ sơ. Đối với lao động tự do, các huyện thị đang rà soát và dự kiến tỉnh sẽ ban hành quyết định riêng vào ngày mai (21/7). Ngay khi có quyết định, NLĐ nhận hỗ trợ ngay. Quan điểm của tỉnh là "bám sát" Nghị quyết 68 và Quyết định 23 nhanh nhất để hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động, nhằm duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Tại Bắc Giang, qua cân đối ngân sách, UBND tỉnh cũng quyết định: NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh thuộc các hộ gia đình phi nông nghiệp được hỗ trợ một lần với mức 1,5 triệu đồng/người khi có đủ các điều kiện gồm: Mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ 27/4 - 31/12/2021; không có nguồn thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng với khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/tháng với khu vực thành thị, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Trong hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách NLĐ đủ điều kiện hưởng hỗ trợ của UBND cấp xã, UBND cấp huyện ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. UBND cấp xã thực hiện chi hỗ trợ trong vòng ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ của UBND cấp huyện.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2021; kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đánh giá cao tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đối với việc triển khai Nghị quyết 68, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Thái Nguyên đã vào cuộc rất sớm và đánh giá đúng tầm quan trọng của chính sách, qua đó đem lại những hiệu quả trong việc triển khai thực hiện.
Hiện một số DN tại Thái Nguyên có nhu cầu tiếp cận gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh nhanh chóng nắm bắt những lợi ích tốt của chính sách để ổn định, phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa gói hỗ trợ đến tay người thụ hưởng.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Thái Nguyên cho biết, dự kiến đến 25/7/2021, tỉnh sẽ hoàn thành công tác rà soát các đối tượng và có văn bản gửi Bộ Tài chính để hỗ trợ kinh phí theo quy định.
Làm những gì tốt nhất cho người lao động
Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 có tổng trị giá 26.000 tỷ đồng, gồm tiền từ ngân sách và một số quỹ của Nhà nước, với mục tiêu góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho NLĐ.
Vì vậy, 7 trong số 12 chính sách ban hành tại nghị quyết hỗ trợ trực tiếp tiền mặt một lần cho NLĐ bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng do ảnh hưởng dịch, nhóm yếu thế như lao động nữ mang thai, các F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng do dịch; nhóm lao động đặc thù như nghệ sỹ trong các đơn vị công lập, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ.
5 nhóm chính sách còn lại hướng đến hỗ trợ DN, chủ yếu liên quan bảo hiểm xã hội, như giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất trong vòng 12 tháng; đào tạo giữ việc làm cho lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ hộ kinh doanh và cho DN vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, khôi phục sản xuất.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB &XH Lê Văn Thanh cho biết: Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo, trong đó Bộ trưởng là trưởng ban, thứ trưởng là các phó trưởng ban, thủ trưởng đơn vị có liên quan (trong và ngoài bộ) là các ủy viên. Mỗi phó trưởng ban phụ trách theo dõi chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện một hoặc một số chính sách của nghị quyết và phụ trách theo dõi việc thực hiện quyết định tại các địa phương theo từng vùng kinh tế; đồng thời thành lập tổ giúp việc ban chỉ đạo; thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải đáp chính sách cũng như nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, DN; thành lập tổ truyền thông để thông tin kịp thời, đầy đủ các chính sách đến người dân, DN.
Là một trong những địa bàn có đông NLĐ, Hà Nội dự kiến có hàng trăm nghìn người đủ điều kiện nhận gói hỗ trợ. Để tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp, ngành LĐ-TB&XH cùng ngành thuế sẽ rà soát, sàng lọc, bảo đảm mỗi người chỉ nhận được một chính sách hỗ trợ mức cao nhất. Riêng các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, trước khi có Nghị quyết số 68, Hà Nội đã thống nhất chủ trương hỗ trợ cho đối tượng này, và giao Cục Thuế TP. Hà Nội chủ trì thực hiện. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương, điều gì tốt nhất cho NLĐ Hà Nội sẽ áp dụng, đồng thời đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho DN, NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ở góc độ cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết: Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn cũng sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách như mục tiêu và nguyên tắc của nghị quyết.
Các chuyên gia cũng khuyến cao, địa phương khi triển khai hỗ trợ không tạo thêm rào cản chính sách. Việc hỗ trợ lao động tự do không nên thận trọng quá mức cần thiết, phải thực hiện nguyên tắc tạo mọi điều kiện để người dân nhận hỗ trợ và tăng cường công tác hậu kiểm. |