Đẩy mạnh thu hút đầu tư của Thụy Sỹ vào Việt Nam

Tính đến tháng 7/2021, Việt Nam đã thu hút được hơn 170 dự án FDI từ Thụy Sỹ, với tổng vốn đăng ký đạt 1,92 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, Việt Nam mong muốn thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư của Thụy Sỹ, nhất là dự án có hàm lượng công nghệ cao.

Sáng 6/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và ông Igzanio Cassis - Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ - đã dự Lễ công bố “Chương trình hợp tác Thụy Sỹ và Việt Nam” giai đoạn 2021-2024 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư của Thụy Sỹ vào Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ông Igzanio Cassis – Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ cùng các đại biểu dự Lễ công bố Chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2024 (Ảnh Đức Trung MPI)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thụy Sỹ là nhà tài trợ cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam từ năm 1992, chủ yếu là viện trợ không hoàn lại. Tính đến năm 2020, Thụy Sỹ đã hỗ trợ Việt Nam gần 500 triệu CHF, tập trung giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường.

Trong năm vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác kinh tế của Thụy Sỹ tại Việt Nam (SECO) xây dựng chiến lược hợp tác 4 năm ( từ 2021-2024), trong đó Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục cam kết viện trợ cho Việt Nam 70 triệu CHF (gần 80 triệu USD), tập trung hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và hỗ trợ, tăng cường sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 7/2021, Thụy Sỹ có hơn 170 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,92 tỷ USD, đứng thứ 20/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân của Thụy Sỹ tại Việt Nam là 10,8 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là 11,8 triệu USD/dự án.

Các dự án tiêu biểu của Thụy Sỹ tại Việt Nam tính đến thời điểm này, bao gồm: Dự án Nhà máy sản xuất xi măng của Công ty TNHH Xi măng HolCim Việt Nam của nhà đầu tư Holder Bank Financier Glaris, với số vốn 441 triệu USD, tại Kiên Giang; Dự án Sản xuất cà phê của Công ty TNHH NESTLÉ Việt Nam với số vốn đầu tư là 402 triệu USD tại Đồng Nai, đây cũng là dự án vừa tăng vốn đầu tư vào tháng 4/2021.

Doanh nghiệp Thụy Sỹ đã đầu tư vào 13 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 52 dự án, có số vốn đăng ký 1,73 tỷ USD, chiếm đến 93,31% tổng vốn đầu tư, còn lại là những ngành lĩnh vực khác như: Y tế và trợ giúp xã hội chiếm 2,6% tổng vốn đầu tư, bán buôn và bán lẻ chiếm 2,68% tổng vốn đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, Thụy Sỹ hiện đã có đầu tư tại 18/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong đó, Đồng Nai là địa phương dẫn đầu với 8 dự án, tổng vốn đầu tư là 756,6 triệu USD, chiếm 39,3% tổng vốn đầu tư; đứng thứ hai là Kiên Giang với 2 dự án, tổng vốn đầu tư là 441,05 triệu USD, chiếm 22,95% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là TP. Hồ Chí Minh với 98 dự án, tổng vốn đầu tư 119,06 triệu USD, chiếm 9,9%. Tiếp theo là Bình Dương, Hưng Yên, Hà Nội và các địa phương khác.

Riêng trong 7 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Thụy Sỹ đã đầu tư 3 dự án mới tại Việt Nam và 2 dự án tăng vốn, cùng 9 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 135,86 triệu USD, đứng thứ 11/86 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ông ông Igzanio Cassis đã đi đến nhất trí định hướng hợp tác trong thời gian tới là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội. Trong đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, xây dựng quản lý tài chính lành mạnh, quy hoạch phát triển đô thị thân thiện với doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý và tiếp cận thị trường. Hai bên cũng đi đến thống nhất, cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác về đầu tư, thương mại, thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp Thụy Sỹ hàng đầu vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao qua đó, đào tạo, chuyển giao, hình thành hệ sinh thái đổi mới và sáng tạo, nâng cao năng suất, giúp Việt trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, đạt nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Hiện tại, Việt Nam có 1 dự án đầu tư sang Thụy Sỹ với tổng vốn đầu tư là 21,12 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, bán buôn, bán lẻ.
Nguyễn Hòa
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận