![]() |
Công nghiệp cơ điện tử, công nghiệp công nghệ cao… tiếp tục được ưu tiên nghiên cứu phát triển thời gian tới |
Nền tảng, động lực phát triển
Trong giai đoạn 2011-2015, tình hình trong nước và quốc tế gặp không ít khó khăn và thách thức nhưng ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển và ổn định kinh tế của đất nước. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân luôn ở mức tốt 13,0%/năm; tỷ trọng đóng góp của sản xuất công nghiệp và xây dựng trong tăng trưởng GDP chiếm 42-43%; chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp có sự thay đổi tích cực; một số ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Trong những thành tích đó có sự đóng góp xứng đáng của KH&CN, của đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác KH&CN. Hoạt động KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011-2015 đã bám sát các yêu cầu, định hướng phát triển của Đảng, Chính phủ và của ngành, góp phần thực hiện tốt các yêu cầu và mục tiêu phát triển.
Chính vì vậy, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết 5 năm hoạt động KH&CN, do Bộ Công Thương tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh, đối với ngành Công Thương, chúng ta luôn xác định KH&CN vừa giữ vai trò then chốt, vừa là nền tảng, động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh và bền vững đất nước nói chung và cho ngành nói riêng.
Ưu tiên phát triển công nghiệp mới
Theo các chuyên gia, thực tế đang đặt ra yêu cầu bức thiết về đổi mới, phát triển công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo được ưu thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, hoạt động KH&CN của ngành Công Thương trong giai đoạn tới cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong nước. Bên cạnh đó, phải đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm…
Cùng chung quan điểm này, Bộ KH&CN đã đề xuất chính sách về hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong công nghiệp thời kỳ tới là: Lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ một số nhóm nhiệm vụ có quy mô lớn thuộc các ngành công nghiệp. Ưu tiên để tạo ra các sản phẩm, vật liệu nền tảng then chốt, công nghệ nền tảng tiên tiến, linh kiện nền tảng quan trọng như: Thép chế tạo cho ngành cơ khí, kim loại mầu và vật liệu mới; sản phẩm hóa dầu, hóa chất cơ bản, linh kiện nhựa và cao su kỹ thuật, sản phẩn hóa dược; công nghệ chế biến nông sản, thủy hải sản chủ lực; nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may, da giầy; phần mềm, điện tử, viễn thông; năng lượng mới, năng lượng tái tạo và năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc các ngành công nghiệp mới như: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa dược, công nghiệp môi trường, công nghiệp cơ điện tử, công nghiệp công nghệ cao.
Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập trung vào việc hình thành, phát triển sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến với 3 nhóm sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp gồm: Thiết bị siêu trường, siêu trọng; sản phẩm vi mạch điện tử và động cơ cho giao thông vận tải. Tiếp tục lựa chọn từ 2-3 sản phẩm quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp để triển khai giai đoạn đến năm 2025. |