![]() |
Công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng khá |
Tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, mặt hàng chủ lực
Năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016, lĩnh vực công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá (tăng 18,5% so với năm 2014; 9 tháng đầu năm 2016 tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015). Các địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp cao trong năm 2015 so với mức tăng bình quân của khu vực gồm: Bắc Ninh (đạt 612,5 nghìn tỷ đồng); Hà Nội (490 nghìn tỷ đồng); Thái Nguyên (365,6 nghìn tỷ đồng), Hải Phòng (145 nghìn tỷ đồng), Hải Dương (123,8 nghìn tỷ đồng)… Bên cạnh đó, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của khu vực như quần áo, máy tính bảng, điện thoại, xi măng, sắt thép… giữ được mức tăng trưởng khá.
9 tháng đầu năm nay, nhiều mặt hàng chủ lực của khu vực có sản lượng tăng, trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao so với cùng kỳ như sắt thép ước đạt 4,36 triệu tấn, xi măng ước đạt 42,35 triệu tấn, quần áo ước đạt 708,3 triệu bộ, tăng 14,54%...
Lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá tiếp tục duy trì tăng trưởng: 9 tháng đầu năm 2016 tăng 14%... Quan trọng hơn, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và đa dạng, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh tại những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ...
Tình hình thị trường trong nước nhìn chung ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định ở phần lớn các nhóm hàng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2015 tăng 12% so với năm 2014; 9 tháng đầu năm 2016 tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Công tác quản lý nhà nước đối với ngành được tăng cường và triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, vật liệu nổ, an toàn hóa chất, khí hóa lỏng, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn điều hành cung ứng điện được chú trọng. Hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hải đảo, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo... được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại được phối hợp triển khai tích cực, góp phần ổn định tình hình thị trường.
Tăng cường hợp tác
Công tác liên kết, hợp tác phát triển công thương trong khu vực luôn được xác định là một trong những hoạt động quan trọng và mang tính định hướng chiến lược, nhằm khai thác phát huy những tiềm năng lợi thế của các địa phương trong khu vực nói chung và trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại nói riêng.
Các địa phương tích cực mở rộng liên kết thông qua việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chương trình liên kết phát triển công thương giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
![]() |
Ninh Bình nhận cờ luân lưu tổ chức Hội nghị Công Thương khu vực |
Việc liên kết đã giúp tăng cường cung ứng, tiêu thụ hàng hóa hai chiều, góp phần ổn định thị trường, giá cả, ổn định đời sống nhân dân; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối; tổ chức các hội chợ công nghiệp - thương mại trên cơ sở các chương trình hợp tác, thỏa thuận hợp tác được ký kết trong lĩnh vực công thương.
Ngoài ra, các địa phương thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, vận động xúc tiến đầu tư, giải quyết khó khăn cho các dự án công nghiệp; cung cấp thông tin về năng lực các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn; đề xuất cơ chế phối hợp với Ban Quản lý khu/cụm công nghiệp; thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công…
Lực lượng quản lý thị trường các tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình về các doanh nghiệp, cá nhân vận chuyển và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu…, đặc biệt, trên các tuyến đường quốc lộ và địa bàn giáp ranh; phối hợp, theo dõi, tham gia xử lý vi phạm, hỗ trợ công tác điều tra, xác minh, góp phần ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng…
Nhìn chung, công tác liên kết, hợp tác phát triển công thương trong khu vực phía Bắc đã tạo được mối liên kết để cùng hỗ trợ phát triển; học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm lẫn nhau, cùng phát triển…
Phấn đấu hoàn thành những mục tiêu đặt ra
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm 2016, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức khi nhiều tổ chức đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu so với đầu năm. Tại nhiều thị trường lớn, nhu cầu xuất nhập khẩu đang có dấu hiệu giảm hoặc tăng chậm lại... Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại trong nước siết mạnh cho vay bất động sản sẽ tác động tới thị trường vốn, đầu tư bất động sản. Ngoài ra, diễn biến bất lợi về thời tiết, dịch bệnh zika ở người, dịch bệnh gia súc, gia cầm… đã ảnh hưởng tới tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của ngành. Giá nông sản thế giới được dự báo vẫn theo xu hướng giảm, gây khó khăn cho đầu ra nông sản Việt Nam, trong đó có khu vực phía Bắc. Tình trạng nhập lậu, đặc biệt là nhập lậu nông, thủy sản từ Trung Quốc diễn ra khá phức tạp... Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2016 có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc hoàn thành kế hoạch năm 2016.
Phát huy kết quả đạt được, trên cơ sở rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2016, ngành Công Thương khu vực phía Bắc quyết tâm triển khai quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ của ngành nhằm cụ thể hóa các giải pháp, chính sách của Bộ Công Thương và các địa phương.
Theo đó, khu vực phía Bắc phấn đấu trong 3 tháng cuối năm đạt được các chỉ tiêu cụ thể như sau: Giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt 770,1 nghìn tỷ đồng, cả năm 2016 đạt 2.689,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 363,6 nghìn tỷ đồng, cả năm đạt 1.255,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 24,6 tỷ USD, cả năm đạt 90,9 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2015;
Khu vực phía Bắc gồm 28 tỉnh, thành phố (tính từ Hà Tĩnh trở ra), phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp Vịnh Bắc bộ. Tổng diện tích tự nhiên của toàn khu vực là 149.887,15 km², chiếm 45,3% diện tích tự nhiên của cả nước; tổng dân số 39,5 triệu người, chiếm hơn 44% dân số cả nước, mật độ dân số trung bình 261 người/km². |