Đầu tư nguyên phụ liệu da giày: Tồn tại nhiều bất cập

Doanh nghiệp ngành da giày dù đã chủ động đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu nhưng sự đầu tư này còn nhỏ lẻ, manh mún...
\"\"
Doanh nghiệp da giày chủ yếu phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Khó tự chủ nguồn nguyên liệu

Bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso)- cho biết: Đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu ngành da giày sôi động hơn rất nhiều so với 3-4 năm trước. Nhiều doanh nghiệp ngoài việc sản xuất thành phẩm còn đầu tư làm thêm khâu nhuộm, đế..., trong đó, Công ty Giày An Việt, Công ty Giày Tuấn Việt, Công ty 32, là những ví dụ điển hình. Thậm chí, không ít doanh nghiệp ngoài ngành cũng muốn đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu da giày.

Thực tế, doanh nghiệp thường chọn đầu tư những nguyên liệu nào chiếm giá trị lớn trong thành phẩm, phù hợp với khả năng đầu tư.

Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đang dần dịch chuyển sản xuất nguyên phụ liệu về Việt Nam. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu nội tại chứ không bán ra ngoài.

Nhìn vào hiện trạng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu của doanh nghiệp ngành da giày có thể thấy rõ sự thay đổi tích cực trong nhận thức của họ về vấn đề tự chủ nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, sự đầu tư này lại phần lớn mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết. Hơn nữa, nguyên phụ liệu mà các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu là chi tiết phụ. Nguyên liệu chính như: Da thuộc, giả da vẫn phải nhập khẩu.

Tạo cơ chế ưu đãi, giảm gánh nặng đầu tư

Việc đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu da giày, đặc biệt là da thuộc hiện gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách. Việt Nam chưa có quy chuẩn về chất lượng nguyên liệu, an toàn môi trường… Do đó, đối với một số dự án đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu ngành da giày, các địa phương đều từ chối thẳng hoặc đưa ra tiêu chuẩn môi trường quá cao.

Được biết, Lefaso đã đề xuất xây dựng 2 khu công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày tại hai miền Bắc, Nam. Tuy nhiên, đến nay, đề xuất này của hiệp hội vẫn chưa có câu trả lời. Về vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, ngành da giày thiếu một “nhạc trưởng” để triển khai bởi để xây dựng được khu công nghiệp cần thực hiện nhiều thủ tục hành chính: Từ xây dựng phương án, dự án cho đến huy động nguồn vốn…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đầu tư khu công nghiệp phụ trợ sẽ giúp doanh nghiệp da giày tự chủ nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, xét hiệu quả kinh tế, chưa chắc giá nguyên liệu, nhất là da thuộc sản xuất trong nước đã thấp hơn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, trên thế giới, nhiều quốc gia có ngành công nghiệp thuộc da phát triển, chất lượng tốt mà giá cạnh tranh điển hình như Brazil. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo: Để khu công nghiệp phụ trợ được hình thành và thực sự đem lại hiệu quả, cần sự đồng thuận từ Trung ương cho đến địa phương. Nhà nước cần có những cơ chế ưu đãi về thuế, sử dụng đất, đồng thời chia sẻ vấn đề vốn, chi phí xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng xử lý môi trường với doanh nghiệp, nhằm giảm gánh nặng đầu tư.

Bà Phan Thị Thanh xuân- Tổng thư ký Lefaso:

Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Nghị định về công nghiệp phụ trợ. Khi có khung chính sách, ngành da giày sẽ xây dựng cơ chế cụ thể khuyến khích đầu tư phát triển nguyên phụ liệu.

Việt Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận