Tại các tỉnh bị lũ đi qua như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên… ngay sau khi lũ rút, các thầy cô giáo cùng với sự hỗ trợ của bộ đội, đoàn thanh niên… đã khẩn trương thu dọn, cọ rửa bàn ghế, sân trường, kiểm tra lại các trang thiết bị, sách vở để chuẩn bị cho năm học mới. Song song với đó, chú trọng hoàn thiện điều kiện cơ sở vật chất để học sinh vùng cao, nơi thường xuất hiện hiện tượng thời tiết bất thường như mưa, bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại kéo dài... có cơ sở vật chất ổn định để thầy trò yên tâm học tập. Bên cạnh các điểm trường chịu ảnh hưởng bởi thiên tai cần khôi phục khẩn trương, ngay sau khi kết thúc năm học 2016 - 2017, nhiều địa phương đã triển khai ngay công tác tu sửa, nâng cấp trường, lớp.
![]() |
Trẻ em dân tộc Xê Đăng (Quảng Nam) vui tới trường |
Tại tỉnh Cao Bằng, ngay sau khi kết thúc năm học, các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống trường, lớp học, nhất là những lớp học đã xuống cấp để có kế hoạch sửa chữa hoặc xây mới. Với cách làm này, giữa tháng 8, tất cả các công việc liên quan đến cơ sở vật chất của giáo dục Cao Bằng đã cơ bản hoàn thành. Tại Hòa Bình, ngoài nguồn kinh phí được giao, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình khuyến khích các đơn vị, trường học thực hiện xã hội hóa giáo dục để có thêm nguồn lực sửa chữa trường, lớp và mua sắm trang thiết bị dạy - học.
Tại huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh), ngôi trường ở vùng cao còn nhiều khó khăn như Tiểu học – Trung học cơ sở Đồng Sơn, xã Đồng Sơn, cũng chuẩn bị khá tươm tất, đủ đầy về cơ sở vật chất, trang thiết bị… để đón chào năm học mới. Năm học 2018 - 2019, nhà trường đã chi hơn 100 triệu đồng để sửa chữa nhà vệ sinh ở tất cả các điểm trường; sửa bếp ăn tập thể cho học sinh nội trú, quy hoạch lại khu nấu nướng.
Tại Lào Cai, ngoài việc tuyên truyền cho phụ huynh chủ động chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho con em, ngành giáo dục Lào Cai chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện quyên góp, sử dụng sách, dụng cụ học tập của năm trước còn sử dụng được để tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn chuẩn bị năm học mới.
Năm 2018, UBND tỉnh Lào Cai đã cân đối 52 tỷ đồng để đầu tư đủ nhà vệ sinh, nhà tắm cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Ngoài ra, Lào Cai sẽ chi 322 tỷ đồng để xây dựng 644 phòng học theo chủ trương xóa phòng học tạm; kiên cố hóa trường, lớp học từ nguồn vốn ngân sách tỉnh 90%, ngân sách huyện 10%.
Tại huyện Mường Chà (Điện Biên), Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức đoàn thể, các lực lượng đóng chân trên địa bàn và nhân dân tập trung tu sửa các phòng học tạm đã xuống cấp, xây mới một số phòng học tại các trường, điểm trường còn thiếu. Để giúp học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có đủ sách giáo khoa, vở viết trong năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Chà đã hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh người DTTS; vận động học sinh ủng hộ sách giáo khoa cho học sinh khóa sau; trích một phần kinh phí của Phòng để hỗ trợ mua sách giáo khoa, tài liệu tham khảo cho các trường; kêu gọi, vận động các đơn vị, tổ chức từ thiện ủng hộ, giúp đỡ. Đến nay, đã kêu gọi quyên góp, ủng hộ gần 1.300 bộ sách giáo khoa và gần 11.800 quyển vở viết cho học sinh.
![]() |
Lớp học của cô và trò ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) |
Tại hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đắk Rông (tỉnh Quảng Trị), do địa hình đồi núi cách trở, đi lại khó khăn, các địa phương phải xây dựng nhiều điểm trường lẻ tạo thuận lợi cho con em học sinh tại các thôn, bản. Trong năm học này, riêng tại huyện Hướng Hóa, bằng các nguồn vốn của trung ương và địa phương và các tổ chức phi chính phủ, huyện đã xây dựng thêm 78 phòng học, với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Cũng từ nhiều nguồn vốn khác nhau, năm học mới này huyện Đắk Rông đã đầu tư xây dựng 90 phòng học với tổng kinh phí khoảng`54 tỷ đồng. Nhờ vậy góp phần đảm bảo cho các trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày, đáp ứng tốt nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn...