Thực hiện 3 phương án sản xuất
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, hiện nay, để thực hiện mục tiêu bảo vệ an toàn cho người dân và đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch, Đồng Nai quyết định tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, từ ngày 17/8 đến hết ngày 31/8. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo: không ra đường từ 18h ngày hôm trước, đến 6h sáng ngày hôm sau, ngoại trừ các lực lượng chống dịch theo quy định.
![]() |
Bưu điện Đồng Nai triển khai các điểm bán hàng hóa thiết yếu tại các bưu cục, bưu điện văn hóa xã |
Để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn, Đồng Nai đề nghị tất cả các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện theo 1 trong 3 phương án. Cụ thể, phương án 1: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ (3 tại chỗ); Phương án 2: Thực hiện 1 cung đường, 2 điểm đến, nghĩa là duy nhất 1 cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi lưu trú đến nơi sản xuất, 2 địa điểm là nơi lưu trú tập trung người lao động của từng DN riêng biệt và nơi sản xuất của DN; Phương án 3 là linh động áp dụng cùng lúc 2 phương án trên. Thời gian từ 0 giờ ngày 17/8 đến hết ngày 31/8.
Ngoài ra, các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các DN đang thực hiện phương án "1 cung đường, 2 địa điểm". Phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu được phép ra đường từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để làm nhiệm vụ.
Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các huyện, thành phố trên địa bàn về việc phối hợp tăng cường kiểm tra thực hiện "3 tại chỗ". Theo đó, DIZA đã tiếp nhận, xử lý 1.179 DN đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ" với 138.746 lao động lưu trú tại công ty trong tổng số hơn 341.000 lao động. Trong đó, có 1.163 đơn vị thực hiện phương án "3 tại chỗ", 6 DN thực hiện phương án "1 c/ung đường, 2 địa điểm" và 10 DN áp dụng cùng lúc 2 phương án trên.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số DN đã đề nghị ngừng "3 tại chỗ", giảm lao động của các DN. Cụ thể, có 50 DN đề nghị ngừng hoạt động "3 tại chỗ" với 8.011 người trong tổng số 25.432 lao động. Ngoài ra, có 216 DN giảm lao động với 5.124 người trong tổng số 42.283 lao động. Như vậy, sau khi tổng hợp, rà soát kết quả tiếp nhận đăng ký và đề nghị ngừng hoạt động phương án "3 tại chỗ", giảm lao động của các DN, đến nay tại các khu công nghiệp của Đồng Nai chỉ còn 1.129 DN thực hiện 3 phương án trên.
Mở rộng các điểm bán hàng thiết yếu và bình ổn giá
Theo ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, tính đến nay, hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng thiết yếu, điểm bán hàng bình ổn giá, điểm bán hàng lưu động trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với sức mua khá ổn định. Cùng với đó, người dân ở nhiều địa phương đã được phát phiếu đi chợ và thực hiện mua hàng hóa thiết yếu theo thời gian quy định.
Hiện toàn tỉnh có 148 chợ, có 70/148 chợ đang tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Vì thế Sở Công Thương cùng các địa phương tổ chức khảo sát và lựa chọn các điểm bán hàng thiết yếu thay thế chợ tạm ngưng hoạt động. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 103 điểm bán hàng thiết yếu thay thế chợ đang hoạt động. Các địa phương cũng thiết lập 375 điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Đặc biệt, để cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm đến người dân trong tỉnh, UBND tỉnh đã giao Tổng công ty Tín Nghĩa, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) triển khai các quầy hàng lương thực, thực phẩm (thịt, rau củ quả…) bình ổn giá. Tính đến nay, riêng các tổng công ty nói trên đã triển khai 31 điểm bán hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá.
Ngoài ra, để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ nhất là hàng nông sản thực phẫm, hiện nay nhiều DN, hợp tác xã đã chủ động các nguồn sản xuất, cung ứng thực phẩm, nông sản tại chỗ ở ngay trên địa bàn hoạt động, nhất là khi nhiều chợ đầu mối đang tạm ngừng hoạt động. Nhiều DN, đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh kết nối tiêu thụ cho nông sản địa phương, nhất là việc đưa các loại nông sản, thực phẩm được nuôi trồng, sản xuất ở các địa phương trong tỉnh vào các điểm bán hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá.
Theo bà Dương Thị Việt Hương - Phó Giám đốc Bưu điện Đồng Nai, hiện đơn vị đã triển khai 42 điểm bán hàng hóa thiết yếu tại các bưu cục, bưu điện văn hóa xã... trên địa bàn tỉnh. Đơn vị chủ động kết nối, đưa nguồn nông sản từ các vùng trồng ở các địa phương trong tỉnh vào các điểm bán hàng bình ổn giá nói trên nhằm hỗ trợ nông dân địa phương tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).