Thưa ông, thời gian qua, ngành Công Thương đã có những hành động thiết thực thực hiện trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân cả nước liên quan đến những hoạt động của ngành, ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực này?
Những nỗ lực và kết quả mà ngành Công Thương đạt được trong thời gian qua có thể nói là khá toàn diện. Có thể thấy nổi bật là hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt khoảng 482 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng trưởng nhanh và vững chắc.
![]() |
Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa- Đồng Tháp |
Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện cán cân thanh toán, thúc đẩy tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Tăng trưởng xuất khẩu cao cũng tạo hiệu ứng "lan tỏa", thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước.
Nhìn từ góc độ địa phương, cụ thể là tỉnh Đồng Tháp - địa phương của tôi - xuất khẩu trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng. Cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp có mức tăng trưởng ấn tượng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 38,89% so năm 2017 và là con số tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây.
Hàng hóa xuất khẩu của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện có khoảng 53 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với các mặt hàng như: gạo, thủy sản, dệt may, sản phẩm sau gạo, dược… Thị trường xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp cũng đã được mở rộng đến nhiều thị trường, trong đó có những thị trường lớn, như: châu Mỹ (chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu); châu Á (chiếm 38%) hay châu Âu (chiếm 15%)…
Có thể khẳng định, ngành Công Thương đã thể hiện quyết tâm theo đúng lời hứa của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Liên quan đến công tác quản lý thị trường, việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường đã có nhiều đánh giá khác nhau, ông có thể cho biết ý kiến của mình?
Trong công tác quản lý thị trường, hỗ trợ phát triển thị trường nội địa, có thể thấy, dù tình trạng an toàn thực phẩm, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại, song nhờ những giải pháp quyết liệt của các lực lượng chức năng, trong đó có Quản lý thị trường, nên tình hình đã có chuyển biến tích cực.
Tôi đánh cao hiệu quả trong công tác của lực lượng Quản lý thị trường, nhất là công tác kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái…
Việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường với mục tiêu tạo sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, nhất là tạo sự thống nhất trong công tác nhân sự và chỉ đạo về mặt chuyên môn. Hơn thế, việc thay đổi mô hình quản lý mà không làm tăng số lượng biên chế mà còn giảm đầu mối từ 63 xuống còn 38. Tôi cho như vậy là rất phù hợp với tình hình thực tế.
Thưa ông, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã chủ động trong công tác hội nhập, thể hiện sinh động qua hàng chục hiệp định thương mại tự do được đàm phán, ký kết, trong đó có Hiệp định CPTPP. Ông đánh giá như thế nào về công tác triển khai các hiệp định này?
Cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hiện các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP. Tại Đồng Tháp, việc triển khai cũng được địa phương chủ động, tích cực, dù thời gian đầu có khó khăn, vướng mắc song đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành.
Không chỉ chính quyền các cấp mà cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương hiểu rằng, việc tham gia CPTTP mang lại nhiều thuận lợi cho những ngành sản xuất chủ lực của địa phương.
Tuy nhiên, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức. Khi CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất cao vì những hạn chế về trình độ công nghệ, trong khi hàng rào thuế quan, phi thuế quan sẽ không còn là “cứu cánh”.
Có thể nói, sức ép lớn về cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả 3 cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.
Theo tôi, đối với các địa phương, trong đó có Đồng Tháp, cần chú trọng công tác xây dựng pháp luật. Các địa phương cũng cần triển khai các chương trình, cơ chế, chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực trọng tâm cho các ngành hàng, nhóm hàng, doanh nghiệp ưu tiên. Đồng thời ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm trọng điểm… thì mới có thể khai thác, tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP.
Xin cảm ơn ông!