Đà Nẵng: Tiếp tục vận hành 22 điểm bán hàng của Công an thành phố

Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã tiếp nhận 22 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu của Công an thành phố và bàn giao cho 2 doanh nghiệp tiếp tục vận hành, góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ người dân trong thời gian các chợ truyền thống chưa mở cửa trở lại.
Đà Nẵng: Đảm bảo cung ứng hàng hóa và phòng chống dịch trong giai đoạn mớiĐà Nẵng: Chung sức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân

Ngày 6/9, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã chính thức tiếp nhận và giao cho 2 doanh nghiệp tiếp tục vận hành 22/30 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn 4 quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ.

Đà Nẵng: Tiếp tục vận hành 22 điểm bán hàng của Công an thành phố
Thịt heo tươi sống các loại tại điểm bán 955 Nguyễn Tất Thành (Thanh Khê, Đà Nẵng)

Đây là những điểm cung ứng hàng hóa do Công an TP. Đà Nẵng tổ chức, vận hành từ ngày 28/8 - 4/9 - thời gian cao điểm TP. Đà Nẵng thực hiện giãn cách, cách ly xã hội, người dân ở yên trong nhà và hàng hóa thiết yếu được cung ứng tận nơi.

Theo Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng - ông Vũ Xuân Viên, với mục tiêu góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ các mặt hàng hóa thiết yếu cho người dân thành phố, giảm áp lực cung ứng hàng hóa, trong 8 ngày triển khai cung ứng hàng hóa thiết yếu phi lợi nhuận, hỗ trợ giá, 30 điểm bán hàng đã cung ứng hơn 120 tấn gạo, 130 tấn thịt, 50 tấn cá, 67 tấn rau củ quả, 3.000 thùng mì tôm, 900.000 quả trứng, 25.000 chai dầu ăn và nước mắm… với chất lượng đảm bảo, giá cả niêm yết công khai, mức giá thấp hoặc miễn phí, giao hàng tận nơi cho người dân trong thời gian nhanh nhất.

Từ ngày 5/9, TP. Đà Nẵng chuyển sang trạng thái áp dụng các biện pháp chống dịch tùy theo mức độ nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực. Tại các phường xã, tổ thôn vùng vàng, các tạp hóa, cửa hàng lương thực được mở cửa trở lại để phục vụ người dân trong tổ, thôn; riêng các phường, xã vùng xanh, ngoài được mở lại các hoạt động như vùng vàng thì một số chợ truyền thống cũng được mở cửa trở lại và người dân đi chợ theo tần suất 5 ngày/lần.

Ngoài ra, thành phố cũng nỗ lực khôi phục, tạo điều kiện để một số tiểu thương cung ứng rau củ quả của chợ đầu mối Hòa Cường đưa hàng từ các địa phương khác về phân phối trên địa bàn; cùng với đó, với việc các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi được duy trì 100% nhân viên làm việc, số lượng shipper được tăng cường… Tất cả các yếu tố này giúp việc cung ứng hàng hóa cho người dân dần ổn định, các đơn hàng và nhu cầu của người dân được đáp ứng nhanh hơn.

Đà Nẵng: Tiếp tục vận hành 22 điểm bán hàng của Công an thành phố
Các mặt hàng thủy hải sản tươi sống tại điểm bán phường Hòa Minh (Liên Chiểu, Đà Nẵng)

Cũng từ ngày 5/9, lực lượng Công an thành phố được điều động phục vụ hoạt động của 30 điểm cung ứng hàng hóa trở lại với công việc bình thường. Tuy nhiên, trước thực trạng diễn biến dịch bệnh, để bảo vệ vững chắc thành quả truy quét F0 ra khỏi cộng đồng trong 20 ngày “đóng cửa thành phố”, TP. Đà Nẵng quyết định chậm mở lại các chợ truyền thống, thay vào đó, tiếp tục duy trì các điểm cung ứng hàng hóa của công an thành phố và bàn giao cho Sở Công Thương tiếp nhận, giao cho các đơn vị cung ứng hàng hóa chuyên nghiệp vận hành với giá bình ổn; giảm tải áp lực cho hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng trong việc cung ứng hàng hóa.

Qua thực tế khảo sát và hiệu quả hoạt động, Sở Công Thương Đà Nẵng duy trì 22/30 điểm bán hàng và giao cho 2 đơn vị là Công ty CP Xây dựng gốm sứ Việt Hương (tiếp nhận 17 điểm bán trên địa bàn quận Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ) và Công ty TNHH Hai Thuyên (tiếp nhận 5 điểm bán trên địa bàn quận Thanh Khê) duy trì vận hành. Thời gian bán hàng từ 7h - 11h sáng từ ngày 6/9 - 12/9 và có thể kéo dài tùy theo tình hình dịch Covid-19.

Hàng hóa tại các điểm bán đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, thịt (gà, vịt, heo) tươi sống, cá tươi, trứng gà, rau xanh, củ quả, gia vị (mắm muối, dầu ăn, mì chính…).

Các doanh nghiệp lấy hàng trực tiếp từ các nguồn cung, chở đến các điểm bán và giao cho người dân với giá bình ổn. Tại mỗi điểm bán phải niêm yết giá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các điều kiện phòng chống dịch.

Phương thức cung ứng hàng hóa tại các điểm bán vẫn là bán hàng theo đơn đặt hàng hoặc bán trực tiếp cho đại diện các tổ dân phố, tổ điều hành hoặc tổ Covid-19 cộng đồng.

Khác với cách thức tổ chức của Công an thành phố, doanh nghiệp tiếp nhận và vận hành trực tiếp tại điểm bán sẽ chủ động nguồn hàng hơn và có thể tăng lượng hàng hóa khi nhu cầu tiêu dùng tăng.

Đà Nẵng: Tiếp tục vận hành 22 điểm bán hàng của Công an thành phố
Các mặt hàng rau xanh, củ quả tại các điểm bán có giá bán thấp hơn giá thị trường (ảnh tại điểm bán chợ Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng)

Theo Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng - bà Lê Thị Kim Phương, Sở có vai trò kết nối và hỗ trợ bước đầu, còn trong quá trình vận hành rất cần có sự hỗ trợ của các phường, đặc biệt là sự hỗ trợ của các lực lượng như đoàn thanh niên, tổ dân phố, hội phụ nữ trong việc nhận đơn hàng và hỗ trợ giao hàng cho người dân đảm bảo kịp thời.

"Sở đã đề nghị các đơn vị cung ứng hàng hóa với giá hợp lý và đề nghị Cục Quản lý thị trường thành phố, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố tham gia vào giám sát, kiểm tra việc vận hành tại các điểm bán của các doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng, giá cả và an toàn thực phẩm cho người dân", bà Phương cho hay.

Ông Nguyễn Trung Trực - Đại diện Công ty Việt Hương - cho biết, đơn vị đã kết nối với các đơn vị phân phối sỉ các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu với mức giá tốt nhất để cung ứng cho các điểm bán, một số mặt hàng chủ lực như rau củ quả, thịt, cá trứng… có giá thấp hơn giá bình quân của thị trường. Trong 2 ngày (6 & 7/9) đơn vị đã cung ứng hàng trăm đơn đặt hàng của các tổ dân phố theo đúng thời gian, mặt hàng và chất lượng sản phẩm.

Vũ Lê
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận