Đà Nẵng: Lo ngại chậm tiến độ đơn hàng do ùn tắc cục bộ tại chốt kiểm dịch Covid-19

Hiện nay, việc lưu thông phương tiện hàng hóa qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 cửa Ô Hòa Phước (Hòa Vang, Đà Nẵng) từ địa phương khác vào TP. Đà Nẵng khá chậm, nhiều thời điểm ùn tắc cục bộ. Tiến độ giao hàng tại TP. Đà Nẵng chậm trễ sẽ kéo theo nhiều điểm đến khác của nhiều hệ thống bán lẻ ở các địa phương khác trễ theo.

Ùn tắc cục bộ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19

Để kiểm soát chặt chẽ phương tiện và cá nhân ra vào thành phố, Đà Nẵng đã thiết lập hàng chục chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ, siết chặt việc kiểm tra các phương tiện, cá nhân vận chuyện hàng hóa đến từ các địa phương có dịch.

Hàng trăm phương tiện vận tải ùn tắc cục bộ tại chốt kiểm soát dịch Covid - 19 Hòa Phước (Hòa Vang, Đà Nẵng) sáng 22/6

Trung tá Võ Cư - Phó Trạm trưởng Trạm CSGT Hòa Phước - cho biết, các cá nhân trên phương tiện vận chuyển hàng hóa trước khi vào TP. Đà Nẵng sẽ dừng tại chốt kiểm soát để kiểm tra thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế, cũng như thông báo lịch trình, thời gian lưu tại TP. Đà Nẵng.

Riêng đối với phương tiện đến từ địa phương có dịch, các cá nhân trên phương tiện vận chuyển phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian không quá 72 giờ (không chấp nhận kết quả test nhanh) và chỉ được lưu lại tại TP. Đà Nẵng tối đa 24 giờ. Những trường hợp tài xế, cá nhân trên các phương tiện đến từ vùng dịch không có kết quả xét nghiệm Covid-19 hợp lệ sẽ bị buộc quay đầu xe, không được vào thành phố. Đơn vị nhận hàng tại TP. Đà Nẵng sẽ phải đưa xe trung chuyển đến khu vực chốt kiểm soát để bốc dỡ hàng hóa sang xe.

Do trạm Hòa Phước nằm trên trục quốc lộ 1A vào TP. Đà Nẵng nên lưu lượng hàng hóa thông thương lớn. Trong 2 ngày trở lại đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Ghi nhận tại chốt kiểm soát thời điểm sáng ngày 22/6 hàng dài hàng trăm các phương tiện vận chuyển hàng hóa xếp hàng dài nối đuôi, chậm chạp nhích dần để qua chốt kiểm soát.

Bên cạnh ùn tắc cục bộ, nhiều phương tiện đến từ địa phương có dịch (như TP. Hồ Chí Minh), các lái xe không nắm được quy định phải có giấy xét nghiệm Covid-19 hợp lệ bên bị buộc quay đầu xe, nằm xếp hàng đợi xe trung chuyển của đơn vị giao hàng đến bốc hàng sang xe. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp container hàng lớn, hàng rau củ, thực phẩm, việc sang xe cũng gặp nhiều khó khăn.

Vận chuyển hàng từ TP. Hồ Chí Minh ra tới TP. Đà Nẵng lúc 17h chiều 21/6 nhưng đến 10h sáng 22/6 xe hàng vẫn đỗ ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 Hòa Phước. Ông Đoàn Văn Hòa - nhân viên Công ty Vận tải bia Sài Gòn, chủ phương tiện vận chuyển - cho biết, trước khi đưa hàng ra công ty không thông báo và cá nhân cũng không biết có quy định phải có kết quả xét nghiệm Covid-19.

“Ở các địa phương khác khi chúng tôi đến giao nhận hàng hóa cũng thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và đo thân nhiệt, nhưng không có yêu cầu về kết quả xét nghiệm Covid-19. Do không nắm thông tin phải có kết quả xét nghiệm khi đến TP. Đà Nẵng nên hiện tại chúng tôi rất bị động”, ông Hòa nói và cho biết thêm, ông đã được lực lượng tại chốt kiểm dịch yêu cầu quay đầu xe, không được vào thành phố. “Hàng bia không phải như hàng rời, phải thực hiện bốc dỡ thủ công nên phải có kho bãi mới thực hiện được chứ không đứng giữa đường sang xe được. Bây giờ tôi cũng không biết làm sao chỉ đợi công ty giải quyết”, ông Hòa thông tin.

Tài xế các xe hàng ngoài khai báo y tế, còn phải thực hiện thông báo lộ trình cụ thể và thời gian lưu lại tại TP. Đà Nẵng, riêng đối với các xe hàng đến từ vùng dịch tài xế và cá nhân trên xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid - 19

Lo ngại chậm tiến độ giao hàng các mặt hàng thiết yếu

Vận chuyển rau, củ quả các loại từ Lâm Đồng phân phối về 2 siêu thị Coopmart tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Mạnh Hùng – HTX Vườn sinh thái Đà Lạt (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) chấp hành quy định khai báo y tế và đo thân nhiệt tại các chốt kiểm dịch của các địa phương. Ông Hùng đã chủ động khai báo y tế trực tuyến sẵn và chụp lại mã QR Code để khi xuống chốt sẽ quét QR code và thực hiện các thủ tục cho nhanh, đảm bảo tiến độ giao hàng cho địa phương. “Nhưng sáng nay bị ùn tắc tại chốt kiểm soát (Hòa Phước) hơn 1 giờ đồng hồ vẫn chưa qua được chốt kiểm soát. Dẫn đến thời gian giao hàng có thể chậm hơn dự kiến tới 2 giờ đồng hồ, kéo theo việc giao hàng tại các địa phương khác sau Đà Nẵng cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hùng cho hay.

Đại diện nhiều siêu thị trên địa bàn TP. Đà Nẵng cho biết trong 2 ngày trở lại đây, các đơn vị đều có dấu hiệu gặp khó trong việc tiếp nhận hàng hóa. “Hàng công ty từ TP. Hồ Chí Minh ra, tài xế có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhưng là kết quả test nhanh nên không được chấp nhận, vì vậy siêu thị phải đưa xe nhỏ đến trạm kiểm soát để trung chuyển hàng hóa”, ông Phan Thống – Giám đốc Siêu thị Coopmart Đà Nẵng - cho hay. Ông Thống cho biết thêm, đơn vị tuân thủ nghiêm túc các quy định của TP. Đà Nẵng để đảm bảo phòng chống dịch, tuy nhiên, khó khăn là không tránh khỏi. Đối với xe hàng nhỏ hoặc các mặt hàng là hàng khô thì có thể trung chuyển, nhưng đối với container hàng lớn, hàng thực phẩm, hàng đông lạnh việc sang xe là vô cùng khó khăn.

“Hiện chúng tôi đang có 1 container hàng nhưng phải tạm dừng ở Quảng Ngãi để lái xe thực hiện xét nghiệm Covid - 19 theo yêu cầu của TP. Đà Nẵng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giao hàng và cung cấp hàng đến người tiêu dùng”, ông Thống thông tin.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Thương – Giám đốc siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng - cho biết, đơn vị cũng đã phải thực hiện trung chuyển hàng tại chốt kiểm soát để đưa hàng vào siêu thị tại Đà Nẵng. “May mắn là đơn vị vận chuyển họ chủ động trung chuyển hàng nên hàng vẫn đến siêu thị kịp thời lên kệ, dù chậm tiến độ giao hàng vài tiếng”, ông Thương nói.

Hàng hóa tại các đơn vị bán lẻ lớn như siêu thị đều là hàng rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là thực phẩm, rau củ quả thường có nhà cung cấp cố định, cung cấp cho cả chuỗi siêu thị. “Tiến độ giao hàng tại siêu thị thường quy định rất nghiêm ngặt. Vì vậy, việc giao hàng tại Đà Nẵng chậm sẽ kéo tới các siêu thị trong hệ thống ở các địa phương khác chậm theo, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh và tiêu dùng của người dân, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống”, bà Võ Thị Thu Thủy - Giám đốc Siêu thị Big C Đà Nẵng - nói.

Vũ Lê
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận