CPI năm 2018 dự kiến đạt mức chỉ tiêu Quốc hội giao

Thông tin tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 9/2018, diễn ra ngày 28/9 tại Hà Nội cho thấy, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm sẽ đạt mức chỉ tiêu Quốc hội giao (tăng dưới 4%). 
Bộ Công Thương không đề nghị bỏ giá cơ sở của xăng dầu

Kiểm soát biến động giá cả thị trường

Theo báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, tình hình kinh tế thế giới 9 tháng năm 2018 nhìn chung tăng trưởng tích cực, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Nhiều nền kinh tế lớn có dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng. Căng thẳng và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn gay gắt. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện thì GDP toàn cầu có thể giảm khoảng 0,5%, tương đương thiệt hại 430 tỷ USD. Bên cạnh đó, các biến động về chỉ số giá của đồng USD xoay quanh 3 quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là những nhân tố chung ảnh hưởng tới giá hàng hóa thế giới.

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), những biến động về quan hệ chính trị, thương mại từ các nước lớn trên thế giới đã tác động đến thị trường hàng hóa quốc tế và theo đó ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong nước. Đơn cử, nhóm hàng nhiên liệu năng lượng là nhóm chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các biến động giá trên thị trường thế giới. Mặc dù, nguồn cung trong nước luôn được bảo đảm, nhưng giá có nhiều biến động, bắt đầu tăng từ quý II/2018. Tuy nhiên, với sự điều hành linh hoạt của liên Bộ Công Thương, Tài chính nên giá biến động hợp lý. Bên cạnh đó, có sự phối hợp trong điều hành giá các mặt hàng khác do nhà nước quản lý, góp phần kiểm soát mức tăng CPI chung.

Từ quý II, nguồn cung thịt lợn giảm sau thời kỳ chăn nuôi thua lỗ, giá mặt hàng này có xu hướng tăng mạnh đến đầu quý III và một số mặt hàng nông sản khác được mùa, nguồn cung tăng…, nhưng do có sự chủ động hỗ trợ tiêu thụ của bộ, ngành, địa phương nên giá không bị giảm sâu, bảo đảm lợi nhuận người trồng.

Bà Tạ Thị Thu Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho hay, chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,72% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 9 tháng, CPI biến động theo hướng tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 3,97% trong tháng 9; đặc biệt tăng nhanh ở tháng 6 và tháng 7 - lần lượt là 4,67% và 4,46% so với cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,35% so với tháng trước. Tuy nhiên, từ tháng 8-tháng 9, tốc độ CPI bình quân đã tăng chậm lại từ 3,53% (bình quân 8 tháng) lên mức 3,57% (bình quân 9 tháng) - tức là chỉ tăng 0,04%.

Qua diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng cho thấy sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá và sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát giá cả nên việc kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao có thể đạt được” - bà Tạ Thị Thu Việt khẳng định.

\"cpi
Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm 2018 đạt 3.235.075 tỷ đồng

Cân đối cung - cầu thị trường cuối năm

Bà Tạ Thị Thu Việt lưu ý, trước diễn biến tình hình quốc tế còn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường như cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông, khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nên có thể ảnh hưởng đến mặt giá cả trong nước, nhất là các tháng cuối năm. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả, kịp thời đề xuất các giải pháp cho Chính phủ và Ban chỉ đạo điều hành góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng dự báo thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố, gây áp lực tăng cầu, tăng giá, đó là cuối năm nhu cầu hàng hóa nhất là nhóm hàng thực phẩm, đồ gia dụng tăng; tỷ giá tăng ảnh hưởng đến giá nhóm hàng nhập khẩu; các nhóm hàng năng lượng, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn tiểm ẩn xu hướng tăng; tình hình thời tiết, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn đang có nguy cơ diễn biến bất lợi.

Trước tình hình đó, để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Tổ điều hành Thị trường trong nước đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng (Sở Công Thương, Sở Tài chính) chủ động có kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường trong các giai đoạn tiêu dùng cao điểm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo nguồn hàng cho các dịp lễ Tết. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả hàng hóa do nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - góp ý kiến, ngoài việc đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, cần tăng cường dữ liệu thông tin chia sẻ giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngành Công Thương, nông nghiệp để có số liệu thường xuyên, qua đó góp phần kiểm soát thị trường ngay trong tháng, dự báo trong những tháng tiếp theo, và đưa ra giải pháp hữu hiệu để bình ổn thị trường. \"Đối với Hà Nội, trong những tháng cuối năm, chúng tôi đã trình thành phố ban hành chương trình bình ổn thị trường. Sở cũng đã ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa dịp Tết. Ngoài ra sẽ tổ chức hội chợ triển lãm, tháng khuyến mại, các chương trình liên kết vùng đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng; xây dựng kịch bản điều hành diễn biến thị trường…\" - bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Uớc tính tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2018 đạt 3.235.075 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, du lịch có mức tăng cao nhất (tăng 16,9%) do kinh tế phục hồi, thu nhập tăng; tiếp đến là các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng cũng đạt mức tăng khá (tăng từ 11,8 – 13%). Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 9 đạt 374.758 tỷ đồng, tăng 1,29% so với tháng trước.
Quỳnh Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận