Công tác dân tộc và dấu ấn đổi mới

Trong lịch sử 70 năm hình thành và phát triển, hệ thống cơ quan công tác dân tộc cả nước và Ủy ban Dân tộc (UBDT) có rất nhiều hoạt động quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
\"\"
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử thăm khu trưng bày các công cụ sản xuất của đồng bào tại Triển lãm “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam đoàn kết, hội nhập, phát triển”  

Có thể nói, nhiệm kỳ 2007 - 2011 và nhiệm kỳ 2011- 2016, ngành công tác dân tộc làm được rất nhiều việc có dấu ấn quan trọng.

Dấu ấn đầu tiên là Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội vào năm 2010. Đại hội các dân tộc thiểu số lần thứ nhất được đánh giá là “mốc son” trong đời sống chính trị, xã hội, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).

Trong lịch sử hình thành ngành dân tộc Việt Nam, đây là lần đầu tiên, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức với quy mô toàn quốc, tập hợp đầy đủ đại biểu của 53 dân tộc thiểu số, đại diện cho các thành phần xã hội, lĩnh vực, vùng miền. Đại hội đã có 1.683 đại biểu, đại diện cho hơn 12 triệu đồng bào các DTTS. Đại hội cũng khẳng định chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng ta; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh; tạo không khí tưng bừng phấn khởi trong đồng bào và có sức lan tỏa rộng lớn, có ảnh hưởng tích cực trong đời sống chính trị - xã hội của đồng bào các dân tộc cả ở trong nước và ngoài nước.

Sau “mốc son” trên, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với các bộ, ngành đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp quy quan trọng về công tác dân tộc. Đặc biệt là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 về công tác dân tộc. Đây là lần đầu tiên nước ta có Nghị định về công tác dân tộc.

\"\"
Ông Đặng Huy Hậu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (trái) - trao bò giống cho bà con dân tộc huyện biên giới Bình Liêu 

Đến giai đoạn 2011- 2015, UBDT tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc (Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013) và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 (Quyết định số 2356/QĐ-TTg). Văn bản pháp quy này đã đưa đến ý nghĩa to lớn, lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược công tác dân tộc. Chiến lược đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể công tác dân tộc đến năm 2020, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; là định hướng quan trọng về khung chính sách dân tộc, bước đầu khắc phục tình trạng ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ của giai đoạn trước, nhằm phát triển nhanh, bền vững vùng dân tộc miền núi.

Trong dòng chảy đổi mới, nhất là những nhiệm kỳ gần đây, UBDT đã tích cực phối hợp cùng bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng nhiều chính sách mới. Ví như, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011- 2015; Đề án bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội đối với 4 dân tộc (Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ) và các dân tộc có số dân dưới 1 vạn người; Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020.... Đặc biệt là Chương trình 135 - được xem là “thương hiệu” giảm nghèo của Việt Nam. Nhờ “thương hiệu 135” và những chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi của Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn, được các tổ chức quốc tế và Liên Hiệp quốc đánh giá cao.

Về hội nhập, UBDT cũng tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có hội thảo quốc tế “Các dân tộc thiểu số của Việt Nam, Trung Quốc và các nước ASEAN- Hội nhập và Phát triển”, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác dân tộc. 

Vấn đề dân tộc miền núi được Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, hệ thống chính sách ngày càng toàn diện và đồng bộ. Nhờ  đó, việc phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc miền núi được cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, hộ nghèo ở miền núi, nhất là người dân tộc thiểu số hiện nay còn chiếm trên 47% hộ nghèo cả nước, trong khi dân số người dân tộc chỉ chiếm 14,3%. Khoảng cách giàu nghèo giữa vùng dân tộc miền núi so với các vùng khác của cả nước đang chênh lệch lớn. Cả nước trên 5%, trong khi vùng dân tộc miền núi trên 40%...

Trên cương vị là người đứng đầu UBDT, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, đây là điều đang làm những người làm công tác dân tộc trăn trở nhất. “Chúng tôi thấy trách nhiệm của những người làm công tác dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu về cơ chế, chính sách để đồng bộ hơn, hỗ trợ cho đồng bào nhiều hơn, giảm nhanh khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền và của đồng bào dân tộc” Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử chia sẻ.
PV
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận