Hai mô hình được lựa chọn gồm: Chuỗi sản phẩm từ gạo lứt Omega An Phát của Công ty TNHH sản xuất thương mại An Phát (huyện Thạch Hà) và Sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ của Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên (huyện Đức Thọ).
![]() |
Sản xuất đồ gỗ tại Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên |
Mặc dù sản phẩm mới ra mắt nửa cuối năm 2019, nhưng đến nay Công ty TNHH sản xuất thương mại An Phát đã cung cấp khoảng 40 tấn sản phẩm gạo lứt Omega mỗi tháng (trong đó khoảng 22 tấn gạo và 18 tấn sản phẩm từ gạo). Sản phẩm hiện tiêu thụ trên 63 tỉnh, thành cả nước.
Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên cũng đi vào hoạt động từ tháng 10/2019 tại Cụm công nghiệp Thái Yên. Trong 2 tháng đầu năm nay, doanh thu của công ty đạt 400 triệu đồng. Hiện, DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật dụng gia đình, đồ chơi, quà tặng lưu niệm… từ gỗ, với sản lượng 10.000 – 15.000 sản phẩm/tháng. Thị trường chính hiện nay của DN là gia công cho các đối tác xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và tiêu thụ nội địa.
Điểm dễ nhận thấy ở 2 mô hình này là dù mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng hiệu quả kinh tế đạt được rất khả quan, tạo nhiều việc làm cho người lao động và có khả năng nhân rộng cao. Tuy vậy, theo phản ánh của DN, hoạt động sản xuất vẫn đang gặp phải một số khó khăn, nhất là thiếu nguyên liệu và vị trí đầu tư. DN cũng mong muốn được hỗ trợ về nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, vay vốn sản xuất…
Với tiềm năng kinh tế rõ ràng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đánh giá cao mô hình sản xuất, kinh doanh của 2 DN. Đồng thời cho rằng, 2 mô hình còn nhiều không gian để mở rộng, tạo thành chuỗi giá trị, liên kết, có khả năng trở thành các mô hình CNNT điển hình. Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành triển khai ngay những giải pháp tháo gỡ khó khăn hiệu quả cho DN.
Cụ thể, trên cơ sở nguồn kinh phí khuyến công, phát triển công nghiệp đã được phân bổ, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí cho 2 DN, tiếp tục xem xét hỗ trợ khi các mô hình đã hoàn thiện hoặc hoàn thiện một phần; hỗ trợ hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu, các phương thức tìm kiếm, tiếp cận, mở rộng thị trường; kết nối với các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trung tâm buôn bán, trước hết là tại các địa điểm trong tỉnh và hỗ trợ tối đa việc tham gia hội chợ, sự kiện kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ; hướng dẫn DN hoàn thiện mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tìm kiếm, hỗ trợ kết nối với chuyên gia để trực tiếp tư vấn cho DN nâng cao công tác đảm bảo môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 2 DN nâng cấp, đổi mới dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất phù hợp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, liên kết với DN, hợp tác xã, hộ gia đình vùng nguyên liệu tạo mạng lưới cung cấp ổn định. Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN và Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đóng vai trò làm cầu nối, thường xuyên liên hệ với DN để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Sở Công Thương để có chỉ đạo hỗ trợ kịp thời…
Bên cạnh sự trợ sức của chính quyền, 2 DN cũng chủ động nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu…và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ nhanh vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng mô hình CNNT điển hình. |