Kỳ I: Thực trạng… “buồn”!
![]() |
Nhà máy xi măng Bắc Kạn hoang tàn |
Số phận những dự án trọng điểm
Dù không muốn nhưng để có cái nhìn sâu hơn về thực trạng một giai đoạn phát triển công nghiệp của Bắc Kạn chúng tôi xin lược điểm những dự án từng được kỳ vọng.
Điển hình, tháng 8/2002, Công ty TNHH Thương mại và chế biến nông sản xuất khẩu Hải Anh khởi công xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Xuất Hóa với tổng mức đầu tư trên 31 tỷ đồng - đây là dự án được xem là khởi đầu công cuộc công nghiệp hóa của Bắc Kạn. Nhưng, ngay buổi chạy thử, động cơ của dây chuyền bị cháy khiến nhà máy chỉ vận hành được 3 tiếng đồng hồ, sau đó là sửa chữa và cuối cùng thì phá sản. Tiếp đến là Nhà máy xi măng Bắc Kạn được xây dựng năm 2003 với công nghệ lò đứng lạc hậu, chất lượng sản phẩm kém, khó tiêu thụ. Sau nhiều lần dừng hoạt động vì khoản nợ chồng chất, không trả nổi lương cho công nhân, chủ đầu tư đành thanh lý nhà máy. Còn tại Nhà máy lắp ráp ôtô Tra-las, ngày 21/12/2004, chiếc xe ô tô đầu tiên xuất xưởng trong niềm hân hoan của cả chủ đầu tư, chính quyền và người dân, nhưng sau 4 năm hoạt động, nhà máy giờ chỉ còn trong tiềm thức.
Chưa hết, thống kê mới nhất (tháng 5/2017) của tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 dự án/nhà máy, chủ yếu trong lĩnh vực chế biến khoáng sản và lâm sản đã hoàn thành, đi vào sản xuất, nhưng hoạt động không ổn định, thiếu hiệu quả và đang phải tạm dừng. Ngoài ra, còn 10 dự án đang triển khai thi công xây dựng nhưng đều không đúng tiến độ, thời gian đã cam kết.
Nguyên nhân được chỉ rõ
Lý giải về thực tế đó, ông Lý Thái Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn - thẳng thắn, nguyên nhân chung là các doanh nghiệp (DN) không đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị và khả năng tiếp cận khoa học - công nghệ còn hạn chế; quy mô nhỏ, manh mún, thiếu tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến sản phẩm còn đơn điệu, chưa tạo được chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch, kế hoạch còn hạn chế, trong khi mong muốn phát triển công nghiệp là rất lớn, nên cứ có nhà đầu tư vào là địa phương…phấn khởi. Hơn nữa, “theo quy định trước đó, chúng ta không được thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư trong khi công tác đánh giá, thẩm định công nghệ của các cơ quan hữu quan địa phương còn yếu” - ông Hải nói và cho biết thêm: Chất lượng công tác tham mưu về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa cao, chưa có tầm chiến lược trong khi định hướng phát triển chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Việc chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp của các cấp, ngành chưa quyết liệt.
Không chỉ vậy, công tác quản lý sau chấp thuận chủ trương, đăng ký đầu tư chưa được chú trọng; chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các dự án đầu tư; định hướng, quy hoạch nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động chưa được chú trọng, dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất...
Kỳ II: Bước chuyển và kỳ vọng
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Lý Thái Hải: Giai đoạn trước đây, nhiều DN sau khi được cấp phép đầu tư đã không thực hiện cam kết như ban đầu; các cấp chính quyền chủ quan và chưa thực sự hiệu quả trong công tác thẩm định, giám sát, đôn đốc… |