Công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2017- Bộ Công Thương tăng 7 bậc và xếp thứ 5/19 Bộ, ngành

Bộ Công Thương tăng 7 bậc và xếp thứ 5/19 Bộ, ngành. Đó là kết quả được công bố tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) năm 2017 của các Bộ, ngành và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức ngày 2/5/2018, tại Hà Nội.
\"\"

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình - Trưởng ban, chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Lê Vĩnh Tân - trong báo cáo tại hội nghị cho biết, liên quan đến chỉ số PAR index 2017, nhóm 5 Bộ, cơ quan ngang Bộ dẫn đầu gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương. Nhóm 5 Bộ, cơ quan ngang Bộ xếp cuối gồm Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế và Ủy ban Dân tộc.

Giá trị trung bình PAR index năm 2017 của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt được là 79,92, trong đó có 7 Bộ xếp dưới giá trị này và 12 bộ xếp trên con số này. Bộ Công Thương đạt giá trị 83,59. Như vậy so với PAR index năm 2016 với việc xếp thứ 12/19 Bộ, cơ quan Bộ ngành, năm 2017 Bộ Công Thương tăng 7 bậc về PAR index.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, các Bộ trong đó có Bộ Công Thương đã tập trung triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, tuyên truyền cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác ban hành kế hoạch và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch cải cách hành chính đã ban hành. “Tình trạng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thực hiện quá hạn nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã giảm đáng kể”, báo cáo nhìn nhận.

Trong tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ Công Thương luôn ưu tiên đặc biệt đến công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết,  mục tiêu công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Công Thương không chỉ đơn thuần bằng việc thống kê về mặt số lượng mà còn phải được đơn giản hóa và tiến tới bãi bỏ các TTHC không cần thiết, đơn giản hóa yêu cầu điều kiện, thành phần hồ sơ nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức. Mới đây nhất, ngày 27/4/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1408/QĐ-BCT ban hành Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC năm 2018 của Bộ Công Thương. Theo đó sẽ bãi bỏ, đơn giản hóa 54 TTHC thuộc 10 lĩnh vực được quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật (10 thông tư, 1 thông tư liên tịch, 1 quyết định Thủ tướng và 7 nghị định).

\"\"
Ảnh minh họa

Luôn là Bộ đi đầu trong công tác hiện đại hóa dịch vụ công, xác định không ứng dụng công nghệ thông tin thì không có cải cách hành chính, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 296 TTHC cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai DVCTT mức độ 2 trở lên; trong đó, có 35 DVCTT mức độ 4, 118 DVCTT mức độ 3 và tất cả 153 DVCTT này đều đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

Ngoài ra, một điểm nhấn về công tác cải cách hành chính năm 2017 của Bộ Công Thương là công tác tái cơ cấu, tinh gọn lại bộ máy tổ chức. Năm 2017, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 98/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. “Số lượng tổ chức cấp phòng tại Bộ Công Thương đã cắt giảm được 72 đơn vị, tương đương giảm 36,5% số phòng”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Nhằm tạo hiệu quả trong việc tiếp tục triển khai công tác xác định PAR index thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề xuất, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài chính trong việc đẩy mạnh công tác thẩm định, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí, phân bổ nguồn ngân sách cho việc triển khai các nhiệm vụ về cải cách hành chính của các Bộ ngành, địa phương. Bên cạnh đó Bộ Nội vụ từ các năm tiếp theo cần phê duyệt Đề án \"Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các thành phố trực thuộc Trung ương\" và áp dụng theo lộ trình phù hợp để đảm bảo tính khách quan trong xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, ngành, địa phương.

Được biết từ năm 2016, việc chấm điểm để xác định PAR index được thực hiện theo phương pháp mới, chú trọng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cách đánh giá để đạt điểm tối đa cũng có sự thay đổi khi đòi hỏi tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ phải đạt 100% mới được điểm tuyệt đối trong khi trước đây chỉ yêu cầu trên 80%. Với phương thức chấm điểm mới này, đặc biệt là trong bối cảnh tất cả các Bộ ngành đều rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, việc xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Bộ Công Thương tăng được 7 bậc so với năm 2016 đã cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ công chức thuộc Bộ Công Thương.

TIN LIÊN QUAN
Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm một loạt thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh
Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính
Quang Lộc
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận