Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 /2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành được đánh giá là một trong những giải pháp hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp (DN) ở thời điểm này.
Theo đó, điều kiện để được thực hiện cơ cấu lại nợ khá đầy đủ, phù hợp với từng giai đoạn bị ảnh hưởng của DN, và việc giãn trích lập dự phòng rủi ro thêm 3 năm là một thay đổi tích cực so với Thông tư trước.
![]() |
Ngân hàng cần hành lang pháp lý để cho vay mới với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 |
Ông Nguyễn Quốc Hùng- Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), cho rằng: Với những thay đổi tại Thông tư 03, các DN sẽ giảm áp lực tài chính tương đối nhiều trong bối cảnh doanh thu sụt giảm ảnh hưởng nguồn trả nợ nhất là các DN quy mô lớn các DN. Điều quan trọng nữa là DN có khả năng tiếp tục vay mới tiếp tục duy trì sản xuất, khắc phục khó khăn trước đây và có thêm thời gian để phục hồi. “Thông tư 03 và trước đó là Thông 01 là hành lang pháp lý quan trọng để các ngân hàng triển khai chính sách hỗ trợ DN. Đó là nỗ lực rất lớn của toàn Ngành ngân hàng theo sự chỉ đạo của Chính phủ đã chủ động vào cuộc để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng Covid trong bối cảnh chưa có sự hỗ trợ của ngân sách”- ông Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Thông tư 03, ông Hùng cho rằng, cùng với chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng thì cũng phải có chính sách đồng bộ của Chính phủ. Bởi tại điểm này, với cơ chế mới tại Thông tư 03 cùng với tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước tốt thì việc cơ cấu nợ theo Thông tư 03 là tạm ổn. Nhưng trong thời gian lâu dài nếu dịch bệnh có chiều hướng xấu thì cần có giải pháp khác. Một mình ngành Ngân hàng không thể "gánh" được. Ông Hùng nêu quan điểm: muốn hỗ trợ DN thông qua ngân hàng dứt khoát phải có nguồn lực ngân sách để hỗ trợ chung cho nền kinh tế. Nếu Chính phủ coi dịch Covid-19 là thiên tai dịch bệnh thì phải có cơ chế đặc thù giống như Nghị định 55 phải khoanh nợ trong vòng 1-2 năm. Đó cũng là hành lang pháp lý để ngân hàng mạnh dạn cho vay mới đối với khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Bởi trong bối cảnh khó khăn, DN không có tài sản bảo đảm, nợ cơ cấu, nếu ngân hàng không cho vay thì DN phản ánh là không có sự hỗ trợ, còn cho vay mà tiếp tục xảy ra rủi ro dịch bệnh không thu hồi được nợ thì trách nhiệm với ngân hàng là không nhỏ. “Các ngân hàng vừa phải tăng trích lập dự phòng, chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận đối với khoản thu hồi. Ở đây, tôi nghĩ các ngân hàng không đặt vấn đề lợi nhuận, cái họ cần hành lang pháp lý để triển khai cho vay mới. Thực tế, hiện tại các ngân hàng cũng rất thận trọng trong cho vay mới. Mà ngân hàng thận trọng thì DN sẽ gặp khó khăn”- ông Hùng bày tỏ.
Để giải quyết những vướng mắc phát sinh về việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam mới đây đã gửi công văn tới Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 nay là Thông tư 03 như áp dụng đối với Nghị định 55 và Nghị định 116 sửa đổi về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, lúc đó, căn cứ theo đúng quy định điều kiện để cho vay mới, các ngân hàng yên tâm xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN vay mới mà không bị áp lực trách nhiệm. Phần bù lãi suất trong thời gian khoanh nợ kết hợp giữa Trung ương và địa phương. Trước tiên, DN ở địa phương nào thì địa phương đó hỗ trợ. Vì họ thu được ngân sách nhiều từ tiền thuế DN nộp giờ DN khó khăn thì cần hỗ trợ họ. Trong trường hợp ngân sách thiếu thì Trung ương hỗ trợ thêm.