![]() |
Sau CPH, hoạt động sản xuất - kinh doanh Tập đoàn Dệt may luôn tăng trưởng cao |
Vào cuộc quyết liệt
Với 299 DN phải CPH tính từ năm 2005 đến nay, giai đoạn 2005- 2010 ngành Công Thương đã thực hiện CPH 279 DN, đạt 93% và đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thực hiện sắp xếp và CPH DNNN.
Bước sang giai đoạn 2011-2015, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện CPH 3 tổng công ty và 8 công ty TNHH MTV trực thuộc Bộ. Theo Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành và chuyển đổi 8 DNNN thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, tổng số vốn nhà nước còn nắm giữ ở 8 doanh nghiệp trên là hơn 3.600 tỷ đồng.
Chia sẻ tại “Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015; kế hoạch 2016-2020”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Dự kiến năm 2015 và quý I/2016, Bộ hoàn thành việc CPH 7 DN, trong đó có 3 tổng công ty. Như vậy, giai đoạn 2011-2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành công tác sắp xếp, CPH 15 DN theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tập đoàn 16 năm mới hoàn thành mục tiêu CPH. Quá trình CPH nên thực hiện từ dưới lên, công ty con rồi tới công ty mẹ. Làm cách này tuy lâu nhưng mang lại hiệu quả hơn.
Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt nhưng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế, công tác thực hiện CPH, thoái vốn cũng như tái cơ cấu DN của ngành Công Thương chưa được như mong muốn.
Công tác thoái vốn, đặc biệt là thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Một số tập đoàn có vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tiến độ thoái vốn chậm do phải chờ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Phan Đăng Tuất - Phó Trưởng ban, thường trực ban Đổi mới DN Bộ Công Thương – cho rằng: Ngành Công Thương có đặc thù khác với ngành khác là riêng lĩnh vực công nghiệp đã có tới 139 ngành. Do đó, có những quy định không thể phù hợp với tất cả các ngành. Đây thực sự là những thách thức trong quá trình thực hiện tái cơ cấu.
Trong quá trình triển khai, Ban đổi mới DN của Bộ đã đến từng DN, tiếp thu những ý kiến dù nhỏ nhất về công tác CPH, thoái vốn để tìm giải pháp xử lý phù hợp. Ông Phan Đăng Tuất chỉ rõ: Có tới 36 trở ngại thuộc 5 vấn đề thường gặp đối với DN thực hiện CPH, tái cơ cấu và thoái vốn. Trong đó,tập trung nhiều ở các lĩnh vực như: Xác định giá trị DN, phương án CPH hay thực hiện IPO…
Giai đoạn 2016-2020: Tập trung thoái vốn
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, 4 tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Hóa chất Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam do có đặc thù riêng nên Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét phương án CPH, thoái vốn trong giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, từ những vướng mắc, kiến nghị của DN trong quá trình tái cơ cấu, thoái vốn và CPH, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu và có phương hướng cụ thể, tìm ra giải pháp thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Bộ và DN đang tiếp tục thực hiện công tác tái cơ cấu theo ngành, theo lĩnh vực quản lý; thoái vốn khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, nhất là những lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán.
Đối với lĩnh vực, ngành nghề chủ yếu như: Năng lượng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, rượu bia nước giải khát… Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai với mục tiêu nhằm làm cho các đơn vị có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vốn đầu tư, phát triển bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động có hiệu quả.
Các giải pháp sẽ được triển khai bao gồm: Cơ cấu lại tài chính DN bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh chính được giao; rà soát năng lực, trình độ công nghệ sản xuất, đổi mới công nghệ và áp dụng khoa học kỹ thuật; hoàn thiện cơ chế, mô hình quản lý, quản trị, giám sát tập đoàn, tổng công ty…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị: Thời gian tới, công tác CPH, thoái vốn cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu vào kết quả thực hiện. “Cùng một môi trường pháp lý nhưng nhiều DN, bộ, ngành làm tốt. Vì thế, chúng ta cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu để thực hiện tốt hơn, nếu có trách nhiệm sẽ luôn tìm được giải pháp trước khó khăn”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Dũng - Phó Trưởng ban, Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN của Chính phủ khẳng định: Cách thức CPH như thế nào phụ thuộc vào tình hình và đặc trưng của mỗi DN. Tuy nhiên, việc dám nghĩ, dám làm và phải làm quyết liệt của các cá nhân đứng đầu rất quan trọng.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu: Năm 2016, các DN đã CPH phải thực hiện tốt phương án thoái vốn, thúc đẩy hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Trong khi chờ Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc mà DN gặp phải, DN vẫn cần tiếp tục thực hiện công tác CPH, thoái vốn để đảm bảo tiến độ. Đặc biệt, năm 2016, Bộ Công Thương dự kiến tổ chức diễn đàn kêu gọi xúc tiến đầu tư vào các doanh nghiệp đã CPH của ngành Công Thương.
Cần cơ chế, chính sách tài chính giúp DN quy mô lớn thực hiện thuê tư vấn, tìm kiếm đối tác chiến lược. Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải xem xét lại tiêu chí, danh mục phân loại DNNN theo hướng sửa đổi nhằm giảm tỷ lệ nắm giữ của nhà nước đối với một số lĩnh vực đang nắm giữ tỷ lệ cao. |