Cơ hội tăng trưởng cao hơn 7%/năm nhờ quy hoạch bài bản

Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn 7% mỗi năm nếu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo một quy hoạch bài bản.
Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung công nghiệp chế biến để nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệpThông điệp “4 mới” trong quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long

Quy hoạch thiếu bài bản ảnh hưởng cơ hội thu hút đầu tư

Theo ông Trần Hồng Quang – Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Thực trạng phát triển và tổ chức không gian của Việt Nam trong thời gian qua thể hiện qua 5 hạn chế.

Thứ nhất, không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế, một số địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình.

Các tỉnh, thành phố tập trung phát triển trong địa giới hành chính, ít phối hợp với các tỉnh lân cận để phát huy lợi thế nhờ quy mô. Các địa phương đều mong muốn quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng quy mô lớn như cảng biển, sân bay dẫn đến đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng thấp. Một số địa phương phát triển theo phong trào, không dựa trên các lợi thế so sánh, nhất là trong xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch… dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, khó thu hút đầu tư.

Cơ hội tăng trưởng cao hơn 7%/năm nhờ quy hoạch hoạch bài  bản
Một số địa phương phát triển quy hoạch theo phong trào, không dựa trên các lợi thế so sánh

Thứ hai, đầu tư phát triển còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ nét các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Hiện nay cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 27,5% diện tích, 53,1% dân số cả nước. Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, chưa được đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại nên các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Thứ ba, chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng chưa đồng bộ.

Cụ thể, nhiều đoạn trên trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam chưa được xây dựng. Đường sắt Bắc Nam lạc hậu, chắp vá. Chậm triển khai các tuyến cao tốc quan trọng kết nối TP. Hồ Chí Minh với các khu vực: TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Chậm hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng phù hợp với đặc thù và yêu cầu phát triển của từng vùng.

Thứ tư, hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, đô thị hóa chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả, chất lượng đô thị chưa cao, tác động lan tỏa của khu vực đô thị còn hạn chế.

Hệ thống đô thị phân bố và phát triển không cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng. Tập trung phát triển quá mức vào Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, gây tắc nghẽn giáo thông, úng ngập; nhiều đô thị trung tâm vùng, trung tâm tỉnh chưa phát triển tương xứng. Các đô thị nhỏ và trung bình còn thiếu động lực phát triển kinh tế đô thị.

Thứ năm, chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch… còn dàn trải, hiệu quả chưa cao .

Trên địa bàn cả nước hiện chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch… còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, cạnh tranh lẫn nhau, chưa tạo thành các cụm liên kết ngành lớn, chưa gắn kết chặt chẽ với hình thành, phát triển các đô thị mới, khu đô thị mới.

Cơ hội tăng trưởng cao hơn 7%/năm nhờ quy hoạch hoạch bài  bản
Công tác quy hoạch thời gian tới cần ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi

Những điểm nhấn trọng tâm, trọng điểm trong công tác quy hoạch

Ông Trần Hồng Quang cho rằng, quy hoạch là khâu quan trọng trong quy trình kế hoạch hóa của nước ta. Nếu thực hiện đúng quy trình: Chiến lược – Quy hoạch – Kế hoạch – Đầu tư phát triển thì sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư.

Quy hoạch cũng là một giải pháp quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII, phấn đấu đến năm 2030, nước ta có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Rất nhiều chuyên gia cho rằng, nước ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn 7%/năm như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, nếu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo một quy hoạch bài bản, có tầm nhìn dài hạn, dựa trên tổ chức không gian phát triển hợp lý cả ở cấp quốc gia và cấp vùng” – ông Trần Hồng Quang thông tin.

Theo đó, những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ quy hoạch cần tập trung, bao gồm: Hình thành, phát triển một số hành lang kinh tế; phát triển các vùng động lực đô thị lớn; phát triển các khu kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong đó, với hình thành, phát triển một số hàng lang kinh tế, cần tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây. Ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi sau: Có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như: Cửa khẩu, cảng biển, sân bay quốc tế...

Liên quan đến phát triển các vùng động lực, đô thị lớn, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, đã triển khai xây dựng các khu kinh tế ven biển để hình thành các vùng động lực quốc gia.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc trung ương, các đô thị trung tâm vùng trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, trong đó phát triển một số đô thị có thể chế vượt trội, trở thành các trung tâm tài chính quốc tế, ku vực, khu thương mại tự do.

Tổ chức không gian phát triển các vùng nhằm khai thác tốt thế mạnh nổi trội của từng vùng; hình thành và phát triển các khu vực động lực của từng vùng gắn với các đô thị lớn, hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch... Phát triển hệ thống đô thị trung tâm vùng phù hợp với chức năng của từng vùng.

Cùng với đó, tập trung đầu tư phát triển một số khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu gắn với các vùng động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng hiện đại, với cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Hình thành cơ bản bộ khung kết cất hạ tầng quốc gia theo trục giao thông Bắc - Nam và một số trục giao thông Đông - Tây quan trọng, kết nối với khu vực và quốc tế. Tập trung đầu tư hạ tầng năng lượng, thủy lợi và hạ tầng phòng, chống thiên tai, hạ tầng xã hội... hình thành hạ tầng số đồng bộ, hiện đại là hạ tầng thiết yếu phục vụ chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Nguyễn Hòa
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận