Trong số các hộ nghèo đa chiều ở tỉnh Bắc Kạn, đồng bào DTTS chiếm tới 95%. Đa phần đời sống của bà con gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp năng suất thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Bên cạnh đó, do trình độ hạn chế, phương tiện thiếu thốn, lại cư trú ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nên nhiều hộ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất – kinh doanh vẫn gặp hạn chế lớn trong tiếp cận thị trường, nguồn lực tài chính và các giải pháp tài chính hiện đại, công nghệ mới.
![]() |
Đặc sản miến dong Bắc Kạn được nhiều chị em lựa chọn làm sản phẩm phát triển sản xuất - kinh doanh |
Mấy năm gần đây, mô hình kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn) đang phát triển mạnh ở các huyện của tỉnh Bắc Kạn với nhiều sản phẩm hàng hóa như: Miến dong, hồng không hạt, cam quýt, khoai môn, bí xanh thơm, gừng, nghệ… Tuy nhiên, do chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư, dẫn đến năng suất, sản lượng còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của các địa phương.
Từ thực tế này, UNDP mong muốn thông qua chương trình “Trao quyền tự chủ kinh tế cho phụ nữ DTTS thông qua ứng dụng công nghệ 4.0” sẽ tạo cơ hội để các nhóm phụ nữ DTTS nghèo và các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách của chính phủ, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ… được kết nối, làm quen trong Hành trình Tăng tốc, dựa trên sáng kiến 3M: Kết nối, Đồng hành và Phát triển.
Tại buổi gặp gỡ khởi động chương trình diễn ra mới đây tại Bắc Kạn, hơn 50 tổ nhóm kinh doanh, hợp tác xã đại diện cho 46 nhóm phụ nữ DTTS tại Bắc Kạn đã rất hào hứng tham gia. Tại đây, các cô, các chị, các em đã được nghe những chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, xóa đói, giảm nghèo và các chuyên gia về mạng và sàn thương mại điện tử của VietED Group chia sẻ những bài học, kinh nghiệm cũng như cách thức làm sao để phát triển kinh tế với nông sản địa phương thông qua hình thức kinh doanh online (bán hàng trực tuyến).
Chia sẻ những câu chuyện thực tế, những người phụ nữ DTTS đã mạnh dạn bày tỏ những khó khăn vướng mắc, những nhu cầu và những điều họ mong muốn để có thể phát triển kênh kinh doanh online của mình; từ đó tự mở rộng hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Tìm cách gỡ khó cho chị em, các chuyên gia đã chủ động kết nối các tổ nhóm kinh doanh, các doanh nghiệp, HTX địa phương với nhau nhằm đưa sản phẩm nông sản đặc sắc của Bắc Kạn đến tay người tiêu dùng trên cả nước qua sàn thương mại điện tử. Cụ thể hơn, nhiều tổ nhóm kinh doanh, Hợp tác xã Bắc Kạn đã được các chuyên gia hướng dẫn, hỗ trợ, đăng ký và đưa ngay các sản phẩm nông sản địa phương của họ lên các sàn thương mại.
Không giấu được sự phấn khởi, bà Huyền Hân, - Chủ hợp tác xã nông sản Bắc Kạn cho biết “Đây là sự kiện kết nối mà chúng tôi thấy có ý nghĩa và thiết thực nhất từ trước đến giờ đối với bà con nông dân vùng xa xôi Bắc Kạn chúng tôi”.
Hy vọng, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của UNDP và các chuyên gia, tổ chức tâm huyết với công tác giảm nghèo… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số sẽ thực sự là cơ hội để phụ nữ DTTS nói chung, phụ nữ DTTS ở Bắc Kạn nói riêng, cải thiện sản xuất và mở rộng kinh doanh.
Chương trình “Trao quyền tự chủ kinh tế cho phụ nữ DTTS thông qua ứng dụng công nghệ 4.0” sẽ giúp các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ của chị em tiếp cận với thị trường và các chuỗi giá trị thông qua nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, chị em có thể tham gia các lớp học trực tuyến, đào tạo kỹ năng, đào tạo khởi nghiệp để hiểu hơn về các giải pháp tài chính hiện đại (ngân hàng điện tử, thanh toán điện tử, bảo hiểm vi mô); đặc biệt là các công nghệ sản xuất mới như: Nông nghiệp thông minh, nền tảng blockchain nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. |