Chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là một dấu ấn lịch sử

Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko đã rời sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo vào sáng nay 28/2, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ có các hoạt động tại Hà Nội và Huế.
\"\"
Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko (Ảnh: HawaiImagazie)

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là biểu tượng cao quý của đất nước và khối đoàn kết toàn dân Nhật Bản. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chỉ thực hiện các chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm đặc biệt đối với các đối tác có quan thân thiết với Nhật Bản. Nhà vua Akihito là người có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam, ủng hộ các thành viên Hoàng gia Nhật Bản tăng cường giao lưu Việt Nam.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là một sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa biểu tượng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước; thể hiện tình cảm và sự quan tâm của Nhật Bản đối với đất nước và nhân dân Việt Nam; góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển toàn diện, tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Các nguồn tin từ Nhật Bản cho biết, Nhà vua và Hoàng hậu rất mong chờ chuyến thăm Việt Nam lần này. Sau khi rời Sân Bay Nội Bài chiều nay, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ tiếp nhân viên tình nguyện của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và gặp cán bộ ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam; hội kiến với các nhà lãnh đạo của Việt Nam; đặt vòng hoa viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và giao lưu với các cựu lưu học sinh tại Nhật Bản; thăm Bảo tàng Sinh vật học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ rời Hà Nội để đi đến cố đô Huế, địa phương duy nhất được lựa chọn tới thăm vào chiều ngày 3/3. Có rất nhiều lý do khi cả hai nước đều nhất trí cao trong việc lựa chọn cố đô Huế, trong đó có lý do liên quan đến văn hóa, âm nhạc.

Cố đô Huế với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, là nơi giao thoa, hội tụ của nền văn hóa rất đặc sắc của nước ta. Đây cũng là nơi có sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Theo Hoàng gia Nhật Bản, Nhã nhạc cung đình Nhật Bản đã có giao lưu và chịu ảnh hưởng Nhã nhạc cung đình Huế Việt Nam từ thế kỷ thứ 8, khi nhà sư Phật Triết sang kinh đô Na-ra Nhật Bản giao lưu Phật giáo, tu tập tại chùa Đại An. Các điệu nhạc, điệu múa và nhạc cụ do nhà sư Phật Triết giới thiệu được lưu truyền trong giới Phật giáo và được Hoàng cung Nhật Bản hấp thu vào trong Nhã nhạc cung đình. Bắt đầu phát triển từ thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên đến nay, Nhã nhạc vẫn được duy trì và phát triển biểu diễn trong Hoàng cung Nhật Bản.

Ngoài ra, Nhà vua Akihito đã phát hiện ra giống cá bống trắng mới trên thế giới tại một nhánh sông Cần Thơ (khi làm luận án tiến sỹ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam những năm 1970) và đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên) năm 1974 khi là Hoàng Thái tử. Hiện tiêu bản này vẫn được bảo quản tại bảo tàng và Nhà vua sẽ thăm bảo tàng vào chiều ngày 2/3 tại Hà Nội.

\"\"
Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko lên máy bay ở sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo (Ảnh: AP/Shizuo Kambayashi) 

Danh sách thành viên chính thức trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản gồm: Nhà vua Nhật Bản Akihito; Hoàng hậu Nhật Bản Michiko; Thượng nghị sĩ Shinichiro Yamamoto, Trưởng đoàn, Trưởng ban Nội chính, Hoàng gia Nhật Bản; ngài Chikao Kawai, Trưởng đội cận vệ cho Nhà vua; ngài Yoshitaka Akimoto, Trưởng ban Nghi thức Hoàng gia; ngài Hatsuhisa Takashima, Đại sứ, Thư ký báo chí của Nhà vua, Trợ lý đặc biệt của Bộ Ngoại giao Nhật Bản; bà Noriko ITO, Trợ lý cao cấp của Hoàng hậu; ông Yuji Fujiyama, Sĩ quan cận vệ cao cấp hoàng cung, Trưởng phòng cận vệ Hoàng gia Nhật Bản; ngài Kaoru Shimazaki, Đại sứ, Cục trưởng Cục Lễ tân, Bộ Ngoại giao Nhật Bản; ông Masato Ushijima, Cận vệ của Nhà vua; Bác sĩ Takashi Ichikura, Trưởng ban y tế, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản; ông Shinichi Asazuma, Cán bộ Ban Nghi thức Hoàng gia; ông Mamoru Nomura, Trưởng phòng hành chính tổng hợp, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản; bà Takako Ito, Trợ lý Cục trưởng Cục Lễ tân, Bộ Ngoại giao; ôngTetsuji Miyamoto, Trưởng phòng Đông Nam Á 1, Bộ Ngoại giao; Giáo sư Yuriko Takahashi, Trợ lý của Hoàng hậu; bà Sachiko Hibiya, Trợ lý của Hoàng hậu; ông Daichi Yamada, Cận vệ của Nhà vua.

Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam; nhà cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất (hơn 30% tổng ODA viện trợ cho Việt Nam); đối tác thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng FDI đầu tư vào Việt Nam); đối tác thứ ba về du lịch (năm 2016 có gần 700.000 lượt khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam); đối tác thứ tư về thương mại (kim ngạch song phương ước đạt 29,4 tỷ USD trong năm 2016).
Kim Chi
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận