![]() |
Sau ngày giải phóng, đầu năm 1976, Phó Thủ tướng Phạm Hùng (thứ 4 từ trái sang) thăm và chỉ đạo Hội nghị Bộ Nội thương (nay là Bộ Công Thương) tại Dinh Độc Lập, bàn về quản lý thương nghiệp và phục vụ đời sống nhân dân vùng mới giải phóng |
Cao Tường Khánh - thiếu tá chỉ huy Tiểu đoàn cơ động đặc biệt vùng chiến thuật hai - nôn nao đứng ngồi không yên. Sẵn có nhạy cảm về quân sự nên Khánh đồng tình với nhận định rất tỉnh táo của Pônga chỉ huy tình báo Mỹ tại miền Nam Việt Nam: “Hiệp định Pari chỉ là một giai đoạn dừng chân của cộng sản, một khi quân Mỹ rút hết, họ mới quyết định nốt một trận tổng lực cuối cùng với quân Sài Gòn… Phải chăng Phước Long là trận đánh mở ngòi vừa thăm dò vừa thử sức”. Khánh quả quyết: “Mất Phước Long tức là sẽ mất Sài Gòn”. Quả đúng vậy, sau Tết Ất Mão (1975), chiến trường miền Nam ngày càng sôi động. Những cuộc rút lui hỗn loạn quân lực Việt Nam Cộng hòa bị đẩy vào tình thế tan rã không kìm hãm nổi, Khánh chạy về Sài Gòn thì Xuân Lộc cũng đã về tay quân cách mạng. Khánh chạy thẳng về hãng nước mắm Kháng Mai cuối quận 6, giáp huyện Bình Chánh. Nơi đó, Mai vợ Khánh và 14 đứa trẻ vừa con vừa cháu đang chờ Khánh thực hiện việc di tản đi nước ngoài. Không muốn để con cháu nghe chuyện người lớn, Mai lôi tuột chồng lên gác và cánh cửa phòng chưa kịp khép chặt, Mai đã nói:
- Nhà mình không thể di tản trong lúc 16 miệng ăn ở nơi đất khách quê người mà chỉ trông vào 2 cây vàng và 300 đô la Mỹ, với đống giấy lộn 7 vạn đồng tiền ông Thiệu…
Mặt Khánh cau có, lo âu:
- Không được đâu. Ở lại, thế nào cộng sản cũng lật lại hồ sơ thế chấp vay nợ xây dựng hãng nước mắm của vợ chồng mình ở Hoàng Đô ngân hàng. Lúc đó, chỉ còn cách cả nhà ra ở đường. Thà...
Khánh chưa nói hết câu, Mai sực nhớ ra, mở tung cánh tủ nói:
- Bộ hồ sơ khế ước vay tiền ngân hàng em đã lôi được về nhà rồi, nó đang nằm trong ngăn kéo tủ đây nè…
Nhìn thấy bộ hồ sơ vay nợ ngân hàng, Khánh ôm chầm lấy vợ reo lên:
- Sống rồi, chúng mình sống rồi Mai ơi, các con ơi…
Từ ngày lấy Khánh làm chồng, gần ba chục năm nay, có tới 7 mặt con, Mai (cô hàng xén bán giấy vở trước cổng trường làng, hơn Khánh 5 tuổi) chưa bao giờ được Khánh ôm chặt và âu yếm như vậy. Mai sung sướng kể lể:
- Lệnh tùy nghi di tản của ông Thiệu được ban bố thì Sài Gòn như ong vỡ tổ, Giám đốc Hoàng Đô ngân hàng cùng vợ con vù đi nước ngoài, bỏ lại cô bồ nhí - người duy nhất quản lý mã số két lưu trữ hồ sơ khế ước vay nợ. Biết vậy, em đến nhà cô, giúi cho 1 cây vàng, đổi lấy bộ hồ sơ vay tiền của nhà mình. Thế là từ giờ mình chẳng nợ nần ai, chẳng sợ cách mạng tra cứu… Mình bảo, 1 cây vàng mua lấy năm chục bồn chượp cá sắp đến lúc khai thác đem bán rẻ ủng hộ cách mạng, vừa được tiếng lại đút túi 2, 3 trăm cây vàng chứ có phải ít đâu…
Khánh reo lên hòa theo niềm vui của vợ: “Cách mạng về cứu sống cả gia đình mình rồi Mai ơi”.
Câu nói này của Khánh về sau được Mai sử dụng như bùa hộ mệnh mỗi khi có việc quan hệ với chính quyền cách mạng. Vui chưa tầy gang…, Mai nhỏ nhẹ hỏi chồng:
- Ở lại có được không hả mình? Một du kích thời chống Pháp không chịu được gian khổ bỏ cách mạng di cư vào Nam theo Pháp, rồi theo Mỹ, lên đến lon thiếu tá chỉ huy một tiểu đoàn cơ động, ít nhiều cũng gây tội ác với dân, với nước, liệu họ có để yên không?
Khánh lo, nhưng trước mặt vợ con vẫn nói bạo:
- Không sao. Mình có theo giặc cũng vì hoàn cảnh thôi. Cứ liều ở lại khai thác hết số nước mắm, rồi sau sẽ tính!
Những tháng sau ngày giải phóng, tình hình đời sống và mọi sinh hoạt xã hội dần dần ổn định. Chủ hãng nước mắm Kháng Mai tìm đến Công ty Thực phẩm công nghệ thành phố Hồ Chí Minh để chào hàng. Cuộc tiếp xúc đầu tiên với một quan chức cách mạng làm bà Mai rụt rè:
- Thưa ông, được biết công ty đang cử người ra Phan Thiết và xuống Phú Quốc để mua nước mắm về phục vụ nhân dân; xưởng nước mắm Kháng Mai xin được ký hợp đồng cung ứng mỗi tháng từ 7 ngàn đến 1 vạn lít nước mắm các loại…
Với vẻ mặt điềm tĩnh chân thật, nhưng không giấu nổi niềm vui, Giám đốc Công ty Thực phẩm công nghệ thành phố (một sỹ quan quân đội mới được cử sang làm công tác quản lý) tỏ ra rất cần nguồn hàng phục vụ nhu cầu vùng mới giải phóng nói:
- Nước mắm là 1 trong 9 mặt hàng kinh doanh của công ty chúng tôi. Nếu cơ sở sản xuất của bà bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì công ty sẽ ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cơ sở phát triển…
- Thưa ông, về chất lượng và chủng loại nước mắm, xin ông cho cán bộ xuống trực tiếp tại xưởng sản xuất để kiểm nghiệm và đánh giá từng lô hàng khi giao nhận. Xin được mời ông trong một ngày gần đây đến thăm xưởng sản xuất của chúng tôi…
Việc đón tiếp Giám đốc Công ty Thực phẩm công nghệ thành phố tại xưởng sản xuất Kháng Mai được tổ chức khá chu đáo. Tuy đã lớn tuổi nhưng do nhiều năm được ăn trắng mặc trơn, chủ hàng nước mắm vẫn giữ được vẻ tươi trẻ trong bộ quần áo bà ba giản dị. Bà Mai ra tận cửa hãng niềm nở mời khách đi thẳng vào xưởng sản xuất và nhanh nhẹn giới thiệu:
- Sáu dãy thùng ướp cá này, phía ngoài làm bằng bê tông cốt thép để bảo đảm môi trường xung quanh không bị ô nhiễm do chượp cá gây lên, còn bên trong vẫn làm bằng gỗ bằng lăng ghép đóng đai tre để bảo đảm chất lượng nước mắm. Sáu dãy thùng này, ướp 3 loại cá: cá nục, cá cơm và cá mòi. Theo kinh nghiệm và thực tế sản xuất, cá nục cho nhiều nước mắm, nhưng cá cơm lại cho nước mắm ngon nhất; giống cá mòi thì ngoài nước mắm còn cho cả dầu cá cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến. Ngoài ra, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn có loại cá linh được khai thác làm nước mắm, tuy độ đạm không cao nhưng giải quyết được những tháng giáp vụ cá và giá thành của sản phẩm thấp hơn nhiều.
Nghe chủ hãng nước mắm giới thiệu về quy trình sản xuất, Giám đốc Công ty Thực phẩm công nghệ thầm khen bà chủ hãng là người am hiểu nghề nghiệp. Ông hỏi:
- Bà học nghề sản xuất nước mắm lâu chưa? Xưởng hiện nay có bao nhiêu lao động?
- Thưa ông, đây không phải nghề truyền thống, vì kế sinh nhai mà làm thôi. Chúng tôi không thuê thợ mà hầu hết là con cháu trong nhà học nghề rồi làm nghề. Nhân đây, xin phép được nói thẳng suy nghĩ của mình là tôi muốn nhượng lại toàn bộ cơ sở này cho công ty quản lý trong 10 năm. Công ty tiếp nhận 18 lao động kỹ thuật và trả lại số vốn chúng tôi đã mua cá, muối hiện chuẩn bị vài tháng nữa sẽ được khai thác nước mắm. Về dự án và kinh phí tổ chức kinh doanh xin ông coi trong bộ hồ sơ này.
![]() |
Tác giả với lãnh đạo Hãng nước mắm Kháng Mai tại Rạch Giá, Kiên Giang năm 1976 |
Được biết, sau ngày giải phóng, ngành thương nghiệp lo việc cung cấp các nhu yếu phẩm cho bữa ăn, trong đó có nước mắm là một khó khăn bởi nguồn hàng cách xa thành phố dăm bẩy trăm cây số. Vì vậy, chẳng bao lâu, hãng nước mắm Kháng Mai được mang biển hiệu mới: Xí nghiệp sản xuất nước mắm thuộc Công ty Thực phẩm công nghệ thành phố. Bà Hoàng Bảo Mai chủ hãng nước mắm nay là Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Nhưng lúc đó, không ai hay rằng, chỉ một việc làm, bà Mai đã đạt mục tiêu: Tiêu thụ toàn bộ sản phẩm, thu hồi cả vốn lẫn lãi trong vòng 6 tháng - một chu kỳ sản xuất nhanh chưa từng có trong ngành sản xuất nước mắm. Cái đích quan trọng hơn là chủ hãng nước mắm Kháng Mai đã trốn tránh chính sách cải tạo tư bản tư doanh của chính quyền cách mạng. Hơn 2 chục năm xa quê hương miền Bắc vào Nam tần tảo hết hang cùng, ngõ hẻm để kiếm sống rồi lại có cái lon thiếu tá của chồng chắn đỡ mà chẳng bao giờ bà được mát mặt. Ngày mới mở hãng nước mắm, vay tiền ngân hàng để quá hạn không có tiền trả, 2 vợ chồng đã phải tính đến chuyện chạy trốn sang Nam Vang hoặc chung một liều thuốc ngủ. Ấy vậy mà khi cách mạng về, bà lại có nhiều tiền, nhiều vàng… Nhưng có tiền, có vàng, bà Mai đâm nghĩ quẩn. Bà đưa 3 đứa con lớn di tỉnh Kiên Giang lấy cớ đi mua cá ướp chượp sản xuất nước mắm cho công ty. Nhưng thực ra bà thuê người đóng thuyền dạy con làm quen với biển cả, tìm đường lo cho con vượt biên. Ba lần đi, các con bà mới thoát khỏi sự quản lý của bộ đội biên phòng. Tiền, vàng của bà vơi đi khá nhiều nhưng bà vẫn hãnh diện kể chuyện với chồng đang học tập tại trại cải tạo Long Khánh. Bà nói: “Một tay em làm cho các con rồi sẽ sung sướng ở nước ngoài. Các con rồi sẽ có tiền vàng gửi về cho vợ chồng mình dưỡng già…”.
Không ai ngờ rằng, ngày chồng được ra trại cũng là lúc bà Mai nhận được tin 2 đứa con trai ở Mỹ chết vì giành giật nhau những mối hàng để kiếm sống nơi đất khách quê người. Bà ngất đi rồi quỵ hẳn. Trong lúc hấp hối bà dặn lại chồng: “Các con chết là lỗi tại tôi, còn đứa nào ông gọi chúng về và bảo chúng rằng mẹ xin lỗi các con không ở đâu bằng cội nguồn của mình…”.