\"Chung tay xây dựng nông thôn mới\" - Chương trình khởi nghiệp nhân văn

Với mong muốn tham gia mạnh mẽ vào quá trình hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao uy tín của nhà trường, ngày 26/6/2016, Hiệu trưởng Trường Đại học công nghiệp Việt – Hung (VIU) đã chính thức phê duyệt chương trình “Chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2024” với nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo cho con em các xã nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội; đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
\"\"
Lãnh đạo Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung ký biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Budapest

Ý tưởng từ một chương trình

Đến Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung vào một ngày trung tuần tháng 10 theo lời giới thiệu của một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi có dịp trao đổi với NGND, TS. Nguyễn Đức Trí - Hiệu trưởng nhà trường. Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi thực sự bị thuyết phục bởi ý tưởng đầy mới mẻ và nhân văn của Chương trình hợp tác đào tạo “Chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Theo chia sẻ của NGND, TS. Nguyễn Đức Trí, ý tưởng của chương trình xuất phát từ những “con số đầy trăn trở” về thực trạng nguồn nhân lực nông thôn do nhóm giảng viên chuyên ngành Quản trị nhân sự nghiên cứu, tổng hợp và trình bày trong hội nghị khoa học cấp trường. Theo đó, tỷ lệ lao động không biết chữ là 4,8%, tỷ lệ lao động tốt nghiệp THCS: 36,4% và tốt nghiệp THPT: 11,2%... Ở nông thôn - nơi chiếm 3/4 nguồn lao động trong cả nước - mức chi cho giáo dục ở nông thôn chỉ bằng 1/3 so với khu vực thành thị. Nhiều gia đình mong muốn cho con mình học lên những bậc cao hơn để sau này kiếm được công việc ổn định, cải thiện đời sống nhưng lại hạn chế về khả năng tài chính, trong khi đó chi phí cho sinh hoạt, chi phí cho giáo dục ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều sinh viên học xong tại thành thị không muốn quay về quê làm việc, hoặc nhiều người muốn khởi nghiệp từ làng nhưng không có kiến thức...

Kết quả đánh giá về nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội của nhóm nghiên cứu chính là cơ sở khoa học để xây dựng đề án “Chung tay xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, từ năm học 2016-2017, VIU sẽ chính thức đưa các nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo mà đối tượng là con em các xã nông nghiệp, các chủ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chưa qua đào tạo hoặc có nhu cầu đào tạo bổ sung, đào tạo nghề ngắn hạn... trên địa bàn 386 xã thuộc 18 huyện, thị của TP. Hà Nội.

Những bước đi đầu tiên

Ngay sau khi đề án được phê duyệt, một lộ trình với những mục tiêu cụ thể đã được vạch ra nhằm hiện thực hóa công tác đào tạo của nhà trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên phương diện tài chính, từ năm 2016-2024, VIU thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho tất cả các sinh viên theo học trình độ đại học, cao đẳng có hộ khẩu thường trú tại khu vực 2 nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội, mức hỗ trợ bằng 30% mức trần học phí. Đối với học sinh theo học hệ trung cấp chuyên nghiệp, mức hỗ trợ bằng 100% trần học phí theo quy định hiện hành của nhà nước áp dụng cho trường công lập. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ trong 9 năm thực hiện chương trình ước tính lên tới 137 tỷ đồng.

\"\"
Một buổi thực hành tại Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung

Trên phương diện đào tạo, bên cạnh phần kiến thức chuyên môn, nội dung kiến thức “khởi nghiệp” được thiết kế theo chương trình đặc biệt có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia hàng đầu trong 8 lĩnh vực đào tạo, nhằm giúp người học có ý chí sắt đá, có khả năng tự tạo việc làm cho mình và cho người khác, cũng như biết cách tạo lập doanh nghiệp, biết cách tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý hoạt động DN, đồng thời có kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyên sâu phù hợp với nền kinh tế thị trường. Ngay cuối tháng 8/2016, nhà trường đã tổ chức khai giảng khóa đào tạo “Khởi sự kinh doanh” dành cho các bạn sinh viên khoa quản trị, kinh tế và ngân hàng với sự tham gia của gần 500 sinh viên. Ngoài ra, các trung tâm khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ DN cũng lần lượt ra đời để tư vấn, định hướng và “đỡ đầu” cho sinh viên, DN trong suốt quá trình hoạt động của mình.

TS. Nguyễn Đức Trí - chia sẻ: Trên thực tế có nhiều DN, đặc biệt là những DN trẻ khởi sự bằng những ý tưởng và niềm đam mê mà chưa qua bất cứ một trường lớp bài bản nào; khả năng rủi ro trong quá trình phát triển sản phẩm, thương hiệu là rất lớn bởi bản chất của khởi nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, đào tạo ngay trong trường lớp về khởi nghiệp là công việc bắt buộc phải làm nếu chúng ta muốn có một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh và phát triển bền vững. Nếu được đào tạo một cách bài bản, thì phong trào khởi nghiệp sẽ “thổi đam mê và niềm tin” cho những người khao khát khởi nghiệp và giúp họ tránh được những sai lầm.

DN khởi nghiệp là đòn bẩy để phát triển nền kinh tế của đất nước, tạo ra của cải và việc làm cho hàng nghìn người. Đối với các khu vực nông thôn, điều này có ý nghĩa hơn bao giờ hết, bởi sau khi đào tạo, nhiều sinh viên sẽ quay về quê để khởi nghiệp, góp phần giảm tải cho các khu vực đô thị, đồng thời giảm tỷ lệ người dân bỏ đồng ruộng lên thành thị để kiếm sống.
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận