![]() |
Ảnh minh họa |
Đây là bước đột phá trong công tác quản lý, vì sự an toàn của người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh. Nếu thành công, mô hình này có thể nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác để quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các loại nông sản, chống gian lận thương mại, ổn định thị trường….
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Ban điều hành đề án đã gặp không ít khó khăn từ ngày đầu triển khai cho đến thời điểm bắt buộc 100% thịt heo trên địa bàn phải có đủ thông tin nhận diện, truy xuất nguồn gốc (31/7/2017).
Ngoài ra, khó khăn còn đến từ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của bà con; chi phí tăng thêm khi phải mua vòng truy xuất; chủ thể chịu trách nhiệm đeo vòng truy xuất; uy tín của các cơ sở giết mổ… Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh - địa phương duy nhất thực hiện đề án nhưng thành phố không chủ động được nguồn cung mặt hàng này (85% nguồn cung từ các tỉnh, thành phố khác). Trong khi đó, công tác phối hợp với các địa phương chưa thật sự tốt. Nhiều tỉnh, thành phố khác vẫn chưa tích cực phối hợp triển khai đề án do tâm lý không phải nhiệm vụ của mình, chờ sự tham gia của nơi khác hoặc chủ trương từ trung ương để có cơ sở phối hợp thực hiện. Đề án chưa có quy định về xử phạt, do đó, cơ quan thú y chưa có cơ sở để xử lý vi phạm.
Dù kết quả chưa đạt như kỳ vọng nhưng để có thị trường thực phẩm sạch nói chung, thịt heo sạch nói riêng, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp phải kiên trì với chủ trương của thành phố và thực hiện một cách đồng bộ. Từng đơn vị có lộ trình, sự phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được mục tiêu cụ thể. Cơ chế, chế tài xử phạt cần sớm ban hành nhằm nâng cao tính răn đe đối với các chủ doanh nghiệp, cơ sở giết mổ, kinh doanh không tuân thủ quy định. Đối với người chăn nuôi, cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho bà con, nên xác định đi theo con đường bền vững, tuân thủ quy trình chăn nuôi sạch, không tiếp tục theo cách làm cũ…