![]() |
Hồi còn là sinh viên, nghe các thày giảng, muốn biết đời sống một nơi cứ ra chợ ở đó khắc hiểu, lại nhớ câu “nhất cận thị, nhị cận giang…”, mới thấy dù ở đâu, thời nào, chợ cũng giữ sức hút ghê gớm với con người.
…Trời còn sớm, sương mù vẫn đặc quánh nhưng chúng tôi đã có mặt đông đủ ra xe để lên với xã Y Tý mà điểm đến là chợ. Hôm nay là ngày thứ bảy, giờ này vẫn còn sương mù, nghĩa là buổi trưa có nắng. Đi chợ vùng cao gặp được ngày nắng nghĩa là có thể tận hưởng hết sắc màu của thổ cẩm, cây cỏ, của cả những thứ vốn chưa lọt vào sách báo hay ống kính máy ảnh bao giờ.
Y Tý là xã nằm ở phía tây bắc của huyện Bát Xát, Lào Cai. Để đến được đây, từ trung tâm huyện phải đi ngót bảy chục cây số. Quãng ấy đi đường đồng bằng thì không bõ bèn gì nhưng để lên với một nơi nằm trên cao độ 2.000 mét thì đúng là một thử thách thực sự với vô số khúc ngoặt, khúc cua tay áo do Y Tý có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao.
Gọi là chợ nhưng nơi đây thực ra chỉ là mấy gian nhà cấp 4 cất cao theo kiểu miền xuôi lợp mái tôn, hoàn toàn không ăn nhập gì với lối kiến trúc nhà trình tường truyền thống thấp lè tè của người Hà Nhì nơi đây. Cạnh đó mấy bước chân là trụ sở ủy ban xã, cũng dãy nhà một tầng trông nghiêm chỉnh hơn chút ít.
Không giống như nơi khác, chợ của Y Tý lại có cả đời sống ban đêm. Nói vậy không phải là họp đêm. Ban đêm nơi đây trở thành “hotel” của dân đi phượt từ miền xuôi lên. Cánh dân phượt không thích ngủ qua đêm tại mấy nhà nghỉ gần đấy mặc dù đủ chăn ấm nệm êm. Xe máy họ để thành dãy, ai có đồ ngủ mang theo như võng, túi ngủ thì ngả ra. Cũng rất có ý thức, quãng độ 4- 5 giờ sáng không ai bảo ai tất cả cùng thức giấc, cuốn đồ lại để trả địa điểm cho bà con dân tộc đang lục tục kéo đến với những âm thanh ồn ã tiếng người nói, tiếng lợn kêu. Trong sương, từng tốp người dần hiện ra, mang theo cái hăm hở từ nhà chẳng hề rơi rụng suốt chặng đường rừng gập ghềnh.
![]() |
Chợ vùng cao ngày nay phần nhiều hẹn nhau ngày cuối tuần. Những phiên chợ Lũng Phìn, Sà Phìn, Phố Cáo ở Đồng Văn, Hà Giang lại có cái “nết” lạ cứ 6 ngày một lần nên mỗi tuần lại lùi đi một ngày so với tuần trước thì biết là đến phiên. Bởi thế, người ta còn là chợ lùi. Những ngày chợ phiên là những ngày của tấp nập váy áo được bà con chuẩn bị từ nhiều ngày trước, sáng đặt vào gùi để đem xuống chợ. Nhà nào có sản vật để bán thì cũng gùi theo. Áo đẹp, váy đẹp thường đến gần chợ mới thay, nên những bộ quần áo khi xuống chợ còn lung linh như mới, màu sắc vẫn tươi nguyên như vừa được nắng.
Ở các phiên chợ vùng cao bây giờ không gian mua bán đã nhường chỗ cho không gian giao lưu, “chém gió”. Đến chợ gặp được người quen lẫn người thương, cái không gian chợ nhỏ bé như tan dần ra, trải rộng mênh mông cùng núi rừng xung quanh theo các tâm sự. Thời buổi công nghệ di động dường như không lan được đến đây, người ta vẫn thích tìm đến chợ, vẫn mong đến ngày thứ bảy, chủ nhật để nối lại những câu chuyện dở dang từ những phiên chợ trước.
Cái lạ ở phiên chợ vùng cao nào cũng thế: Giao lưu là chính, bán mua là phụ. Người vùng cao vốn chân thật, hào sảng, một lời nói ra như “dao chém đá”, ưng cái bụng thì bán, thậm chí cho không, không nói thách, không mặc cả, khi không ưng thì dù trả đắt mấy cũng không bán. Người bán được hàng cũng thấy nhẹ nhõm vì ngoài giá trị vật chất được đánh giá đúng mức còn đậm đà ẩn chứa cái tình, cái nghĩa, san sẻ giúp nhau trong cuộc sống. Phiên chợ của người vùng cao là thế, giản dị và nồng hậu như chính những con người lớn lên giữa gió núi, mây ngàn.
Hôm ấy ở phiên chợ xã A Mú Sung của huyện Bát Xát, chúng tôi gặp hai bố con người dân tộc, ông bố bình thản ngồi uống rượu ở một góc chợ còn cậu con trai loanh quanh ngắm nghía các gian hàng. Hàn huyên bên ly rượu, anh cho biết, thời chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, anh đã chiến đấu ở đây. Đã lâu, rất lâu nay mới trở lại. Hôm nay xuống chợ cũng vừa là trở lại nơi xưa, bình thản nhìn ngắm cái không khí ồn ã, vừa là thực hiện lời hứa với cậu con trai khi nào được điểm 10 bố sẽ cho đi chợ cùng.
Nếu nói góc nào ồn ã nhất của chợ vùng cao thì có lẽ là góc bán điện thoại di động, nơi tập trung đông nhất người trẻ. Cái tủ đựng thập cẩm các loại điện thoại thật có, giả có, cả nhái nữa chỉ cao ngang lưng người mua như thỏi nam châm hút các tín đồ công nghệ vùng cao. Đủ tiền mua thì không nói làm gì, không đủ tiền hoặc không có tiền cũng sán lại cầm trên tay chiếc điện thoại di động ngắm nghía, lô la mãi không thôi…
Mới cữ tháng mười một âm nhưng những cành đào núi đã hé những nụ phơn phớt hồng. Phải chăng là cái nháy mắt của một người đẹp nào đó nơi phiên chợ vùng cao, hẹn với khách đi chợ sớm có ngày trở lại? |