Chính sách hỗ trợ: “Liều thuốc” hồi sức cho doanh nghiệp

Đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19 đang tác động một cách tiêu cực đến lĩnh vực du lịch, vượt xa ngưỡng giới hạn chịu đựng của những doanh nghiệp. Vì vậy, những quyết sách hỗ trợ kịp thời sẽ là liều thuốc để hồi sức cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành kinh tế xanh.

Tiếp sức kịp thời

Theo thống kê, số lượng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là hơn 26.721 người (trong đó 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên tại điểm), khoảng 30% doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành đã rút lui khỏi thị trường. Tình hình kinh doanh thu du lịch lữ hành sáu tháng ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện trên cả nước có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc.

Trước bối cảnh này, việc Chính phủ triển khai gói hỗ trợ tại Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được người lao động, doanh nghiệp trong ngành du lịch hết sức phấn khởi, bởi trong giai đoạn hiện tại những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đang khiến họ đuối sức; đồng thời góp phần giúp ngành du lịch và hàng nghìn doanh nghiệp có thêm động lực cố gắng bám trụ.

Những chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng

Trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ, có 7 nhóm chính sach trực tiếp hỗ trợ tiền mặt với lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng do ảnh hưởng dịch, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiêp và nhóm yếu thế như như lao động nữ mang thai, các F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng do dịch; nhóm lao động đặc thù như nghệ sĩ trong các đơn vị công lập, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ.

Theo đó, đối với lĩnh vực du lịch, nội dung Nghị quyết nêu rõ hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 sẽ được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Còn lại có 5 nhóm chính sách hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp: giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất trong vòng 12 tháng; đào tạo giữ việc làm cho lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ hộ kinh doanh và cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, khôi phục sản xuất.

Tại buổi công bố Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm quy phạm hóa việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - nhấn mạnh, 12 nhóm chính sách hỗ trợ lao động và sử dụng lao động được quy định rất rõ ràng, chi tiết trong Quyết định của Thủ tướng, cả về điều kiện, hồ sơ, quy trình thủ tục… "Với thủ tục thông thoáng, chậm nhất từ 7-10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan liên quan phải giải quyết để chi trả tiền hỗ trợ sớm nhất cho người thụ hưởng"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Sửa đổi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Mới đây, trước tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Theo đó, nội dung sửa đổi hướng tới việc giảm 80% mức ký quỹ ở tất cả các dịch vụ lữ hành (nội địa, quốc tế) nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Đánh giá của các chuyên gia, đây không chỉ là biện pháp hỗ trợ giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp mà còn dự kiến sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành còn hoạt động cùng các doanh nghiệp đang muốn gia nhập vào thị trường này.

Theo tính toán của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 2 năm nữa, hoạt động du lịch quốc tế sẽ khôi phục khi việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19 đã được triển khai rộng rãi. Vì vậy, việc giảm mức ký quỹ trong 2 năm là vừa đủ để giúp doanh nghiệp tạo dòng tiền vào, hỗ trợ khó khăn, duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động.

Tuy nhiên, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung trường hợp doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh dịch vụ lữ hành và trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể được rút tiền ký quỹ (nếu trong trường hợp doanh nghiệp không muốn chấm dứt hoạt động kinh doanh và bị thu hồi giấy phép). Điều này, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Mặt khác, dự thảo cũng nên quy định trình tự, thủ tục để doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Cụ thể như: doanh nghiệp gửi thông báo tới cơ quan cấp phép về việc tạm ngừng kinh doanh, cơ quan cấp phép sẽ cấp văn bản xác nhận việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Đây chính là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện việc rút tiền ký quỹ tại các ngân hàng thương mại. Thông tin tạm ngừng kinh doanh sẽ được công khai trên website của cơ quan cấp phép và của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp vẫn có hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành thì việc hạ mức tiền ký quỹ sẽ hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp về vấn đề tài chính. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ quy định về mức ký quỹ mới nhưng không sửa các quy định có liên quan khiến cho việc triển khai trên thực tế có thể sẽ gặp khó khăn.

Cụ thể như, việc giảm mức tiền ký quỹ theo quy định tại dự thảo thì các doanh nghiệp hiện tại đang ký quỹ theo mức của Nghị định 168/2017/NĐ-CP có được được rút tiền ký quỹ tại ngân hàng không? Theo đại diện VCCI, quy định này phải cho phép áp dụng đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ lữ hành thì mới có hiệu quả hỗ trợ. Do đó, dự thảo cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, căn cứ để các doanh nghiệp có thể rút tiền ký quỹ tại các ngân hàng, bởi vì Điều 16 Nghị định 168/2017/NĐ-CP đang không quy định giải quyết cho trường hợp đặc biệt này. Hay như, sau khi hết thời hạn có hiệu lực của Nghị định sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP thì doanh nghiệp sẽ phải nộp bổ sung tiền ký quỹ như thế nào?

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Hoa Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận