Chiến sự Nga-Ukraine ngày 29/1: Moscow cáo buộc Mỹ đang tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine

Một số thông tin chiến sự Nga-Ukraine ngày 29/1: Moscow cáo buộc Mỹ đang tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine
Chiến sự Nga-Ukraine 29/1: Nga đưa tên lửa phòng không đến Ukraine, cáo buộc Ukraine tấn công bệnh viện ở Lugansk

Phát biểu trên trang Telegram cá nhân, phát ngôn viên Duma Quốc gia Nga, Vyacheslav Volodin tuyên bố, với những động thái mới nhất, bao gồm việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Kiev, Mỹ đang từng bước trực tiếp nhúng tay vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Cùng với việc viện trợ quân sự, sự có mặt của các chuyên gia quân sự, lính đánh thuê Mỹ huấn luyện binh sĩ Ukraine cũng minh chứng cho sự can dự của Washington vào cuộc xung đột.

Với diễn biến chiến trường hiện tại, khó có chuyện Nga dựng lại trước khi đạt được các mục đích của cuộc chiến tại Ukraine. Ảnh: Topwar.ru

Việc Mỹ và NATO tăng viện trợ cho Ukraine đang kéo khối này gần hơn với khả năng xung đột trực tiếp với Nga.

“Thực tế đang chứng minh Mỹ và NATO đang sử dụng Ukraine như nơi thử nghiệm vũ khí và phương thức tác chiến mới. Đặc biệt, phương Tây chỉ coi người dân Ukraine như bia đỡ đạn trên chiến trường”.

Về nguy cơ bùng nổ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO, trả lời phỏng vấn truyền thông Bồ Đào Nha, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, nhắc lại trong một hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Madrid, liên minh này quyết định lập thêm 4 nhóm tác chiến đa quốc gia ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia. Ông cho biết, động thái này nhằm đáp lại việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

"Đây là một tín hiệu quan trọng với Nga rằng chúng tôi sẵn sàng nếu họ quyết định đối đầu với NATO. Đó là lằn ranh đỏ và nếu có lằn ranh đỏ thì chính là việc lực lượng của Nga vượt qua biên giới của các thành viên NATO", ông Bauer nói.

Ông cho rằng, các nước NATO nên hướng ngành sản xuất công nghiệp dân sự phục vụ nhu cầu của quân đội và ủng hộ ý tưởng "nền kinh tế thời chiến".

Với diễn biến chiến trường hiện tại, khó có chuyện Nga dựng lại trước khi đạt được các mục đích của cuộc chiến tại Ukraine. Ảnh: Topwar.ru
Với diễn biến chiến trường hiện tại, khó có chuyện Nga dựng lại trước khi đạt được các mục đích của cuộc chiến tại Ukraine. Ảnh: Topwar.ru

Đánh giá về nguy cơ leo thang xung đột Nga - Ukraine, ông Bauer nói: "Nếu Nga dừng xung đột hôm nay thì sẽ không có bất cứ nguy cơ leo thang nào".

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 12 và tiếp tục chiều hướng leo thang. Hai bên được cho là đều đang chuẩn bị cho một đợt tấn công hoặc phản công quy mô lớn vào mùa xuân này, có thể vào cuối tháng 2 hoặc tháng 3.

Theo giới quan sát, Nga đang tăng sức ép tấn công để giành kiểm soát Bakhmut, thị trấn chiến lược ở miền Đông Ukraine trước khi Kiev nhận những lô xe tăng đầu tiên do phương Tây viện trợ. Nếu giành Bakhmut, Nga sẽ có nhiều lợi thế hơn để kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass.

Mặc dù Nga và Ukraine tập trung vào Bakhmut nhiều tháng qua, biến nơi này trở thành mặt trận khốc liệt nhất, đẫm máu nhất, giới quân sự phương Tây khuyến cáo Ukraine thay đổi chiến thuật, ưu tiên cho mục tiêu ở miền Nam.

Cả NATO và Ukraine đánh giá, Bakhmut hiện không còn nhiều ý nghĩa chiến lược, trong khi đó, tập trung phản công ở miền Nam có thể cắt đứt tuyến đường tiếp viện của Nga, cô lập các vùng mà Nga tuyên bố sáp nhập. Hơn nữa, việc chuyển ưu tiên sang mặt trận miền Nam sẽ tận dụng được lợi thế từ các trang thiết bị quân sự mới trị giá hàng tỷ USD mà phương Tây gần đây cam kết viện trợ.

Trong tuần qua, hàng loạt quốc gia phương Tây cam kết sẽ cung cấp xe tăng cho Ukraine. Đại sứ Ukraine tại Pháp Vadym Omelchenko cho hay, các đồng minh, đối tác đã cam kết chuyển 321 xe tăng. Tuy nhiên, Kiev sẽ phải chờ thêm ít nhất vài tuần nữa mới có thể nhận bàn giao những chiếc xe tăng đầu tiên.

Các xe tăng hạng nặng của phương Tây được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng thủ trước kế hoạch tấn công mới của Nga, đồng thời cũng cho phép Kiev phản công.

Moscow cáo buộc, kế hoạch viện trợ này là bằng chứng nữa cho thấy NATO đang ngày càng can thiệp trực tiếp vào xung đột Ukraine.

Trong khi đó, đánh giá về khả năng đàm phán giữa Nga và Mỹ liên quan tới cuộc chiến tại Ukraine, Phó chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga, Andrey Klimov nhận định, Washington chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi cảm thấy lợi ích quốc gia bị đe dọa.

Theo đó, đầu tiên Mỹ sẽ áp dụng mọi biện pháp từ ngoại giao tới quân sự có thể để ngăn chặn mối nguy cơ. “Nếu không thành công, họ sẽ ngồi vào bàn đàm phán để tìm cách tháo gỡ nó”, ông Andrey Klimov nói.

Ông Andrey Klimov đánh giá, Mỹ hiện chưa mất bất kỳ lợi ích nào từ cuộc xung đột tại Ukraine. Đối tượng bị ảnh hưởng chính là các quốc gia châu Âu.

Đầu tháng 1/2023, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland tuyên bố, Washington sẵn sàng nới lỏng các lệnh trừng phạt và thiết lập vòng đàm phán giải quyết xung đột tại Ukraine nếu Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng thuận của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken.

Theo TRT World, Bộ Ngoại giao Đức vừa phải lên tiếng xin lỗi vì đã dùng biểu tượng cảm xúc "báo hoa mai" để mỉa mai ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trên Twitter trong chuyến công du châu Phi của ông.

Thông báo kèm biểu tượng cảm xúc hình con báo hoa mai trên tài khoản Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Đức được đăng tải trong bối cảnh Berlin quyết định cung cấp xe tăng Leopard-2 để Ukraine chống Nga.

Tuy nhiên, sau khi hình ảnh này xuất hiện, quan chức cấp cao của Liên minh châu Phi đã tỏ ra rất tức giận. Trong thông điệp phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao Đức, Ebba Kalondo, người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat nhấn mạnh: "Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng đã đến thăm AU với trụ sở tại một trong hơn 20 quốc gia châu Phi mà Đức có quan hệ ngoại giao. Phải chăng bà ấy cũng đến đây để xem động vật hoang dã? Hay là châu Phi, người dân và động vật hoang dã ở châu Phi là một trò đùa với các ngài hay sao? Hãy tôn trọng chúng tôi như cách chúng tôi tôn trọng các ngài. Chính sách đối ngoại không phải là một trò đùa và cũng không nên sử dụng nó để ghi điểm địa chính trị".

Hôm 26/1, Bộ Ngoại giao Đức đã phải lên tiếng xin lỗi và thanh minh rằng dòng tweet trên Twitter không có ý xúc phạm, mà nhằm "chỉ ra những lời dối trá Nga đã sử dụng để biện minh cho cuộc chiến chống lại Ukraine của họ".

Kim Ngân (tổng hợp)
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận